Không chỉ có những bí kíp võ công vô địch thiên hạ và những trận chiến đẫm máu chốn giang hồ, truyện kiếm hiệp Kim Dung còn hấp dẫn độc giả bằng cách khéo léo cài cắm các nhân vật, sự kiện có thật trong lịch sử vào nội dung. Nhiều độc giả thắc mắc không biết liệu các nhân vật nổi tiếng trong truyện Kim Dung có thật hay hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng? Nếu có thật thì họ có giống với nhân vật trong truyện hay không? Loạt bài này sẽ phần nào tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó. |
Doãn Chí Bình – kẻ cướp đi “cái ngàn vàng” của Tiểu Long Nữ trong kiếm hiệp Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Trong 2 bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ của cố nhà văn Kim Dung, những lần xuất hiện của Doãn Chí Bình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhân vật này được miêu tả một cách mờ nhạt, võ công tầm thường, không tham gia vào những trận đánh long trời lở đất của các cao thủ võ lâm. Hành động đáng chú ý và đáng giận nhất của Doãn Chí Bình chính là cướp đi sự trong trắng của Tiểu Long Nữ khi cô bị điểm huyệt, không thể cử động.
Trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, Doãn Chí Bình là đệ tử của Khâu Xứ Cơ. Nhân vật này được miêu tả là có tư chất tầm thường, ngoan ngoãn, được sự phụ quý mến. Khâu Xứ Cơ giao cho Doãn Chí Bình tới Mông Cổ để nhắc Quách Tĩnh về cuộc tỉ thí với Dương Khang trên lầu Yên Vũ.
Khi gặp Quách Tĩnh, Doãn Chí Bình thể hiện tính háo thắng, ngông nghênh nên bị sư phụ Quách Tĩnh là Kha Trấn Ác dạy cho một bài học.
Trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Doãn Chí Bình xuất hiện nhiều hơn. Nhân vật này được miêu tả là người thật thà, chơi rất thân với sư huynh Triệu Chí Kính – kẻ thường xuyên bắt nạt Dương Quá.
Trong phim truyền hình, Doãn Chí Bình say mê sắc đẹp của Tiểu Long Nữ khi chứng kiến cô cùng Dương Quá luyện võ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Khi chiêm ngưỡng nhan sắc “thần tiên” của Tiểu Long Nữ, Doãn Chí Bình là đạo sĩ nhưng lại nổi máu tà dâm. Lợi dụng lúc Tiểu Long Nữ bị Tây Độc Âu Dương Phong điểm huyệt, Doãn Chí Bình đã đóng giả thành Dương Quá, bịt mắt cô lại rồi giở trò đồi bại. Hắn sau đó phải trốn chạy khắp nơi do bị “Cô Cô” truy sát.
Trong trận đại chiến ở Trùng Dương Cung, phái Toàn Chân, khi bị Tiểu Long Nữ vạch tội, Doãn Chí Bình hối hận về hành động của mình nên rút kiếm tự vẫn.
Ít người biết rằng Doãn Chí Bình là nhân vật có thật trong lịch sử. Tuy nhiên, đạo sĩ phái Toàn Chân Doãn Chí Bình ngoài đời thực lại khác xa so với tiểu thuyết và phim ảnh.
Theo Sohu, Doãn Chí Bình (1169 – 1251) là người sống vào thời Bắc Tống (cùng thời điểm với những diễn biến xảy ra trong 2 bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ). Ngay từ khi còn nhỏ, Doãn Chí Bình đã tỏ ra là người hâm mộ Đạo giáo và nổi tiếng thông minh. Ông có trí nhớ cực tốt và có thể học được 1.000 chữ trong vòng một ngày.
Tuy nhiên, gia đình Doãn Chí Bình có truyền thống làm quan. Cha Doãn Chí Bình cực ghét việc con trai trở thành đạo sĩ nên nhiều lần nhốt ông trong nhà, cấm giao du với bên ngoài.
Trái với ý muốn thi cử giành lấy công danh của cha, Doãn Chí Bình nhiều lần bỏ nhà đi tìm các bậc danh sư để cầu học đạo. Năm 1182, Doãn Chí Bình gặp được Mã Ngọc – một đạo sĩ phái Toàn Chân.
Mã Ngọc cũng là nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Ông được miêu tả là người thân thiện và từng chỉ dạy khinh công cho Quách Tĩnh.
Sau khi gặp được Mã Ngọc, quyết tâm trở thành đạo sĩ của Doãn Chí Bình càng được củng cố. Ông bỏ quê nhà ở Sơn Đông và lên đường tới Lạc Dương tìm gặp Lưu Xứ Huyền – đệ tử của Vương Trùng Dương phái Toàn Chân – để bái sư.
Doãn Chí Bình trong lịch sử là người đức cao vọng trọng khác hẳn kẻ có hành vi dâm tà trong truyện Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Toàn Chân giáo là giáo phái nổi tiếng nhất Trung Hoa bấy giờ, do Vương Trùng Dương (cũng là một nhân vật có thật trong lịch sử, được đưa vào truyện Kim Dung) sáng lập.
Theo cuốn Trung Quốc Đạo giáo sử, Doãn Chí Bình có đạo hiệu là Thanh Hòa Tử. Ông từng đến Tây An truyền giáo và tới Phật Sơn để chăm sóc những người nghèo khó, bệnh tật. Danh tiếng của đạo sĩ trẻ tuổi Doãn Chí Bình vang xa và được nhiều người kính trọng.
Năm 1191, Doãn Chí Bình bái Khâu Xứ Cơ – đệ tử được cho là nổi bật nhất của Vương Trùng Dương – làm sư phụ. Trên con đường truyền giáo khắp Trung Hoa, Doãn Chí Bình đã học hỏi được nhiều kiến thức từ Khâu Xứ Cơ. Tuy nhiên, không có tài liệu lịch sử nào đề cập tới võ công của 2 thầy trò.
Mông Cổ bí sử chép, năm 1220, Doãn Chí Bình cùng Khâu Xứ Cơ tới gặp Thành Cát Tư Hãn để bàn luận về phép trường sinh. Khi Khâu Xứ Cơ đề nghị Thành Cát Tư Hãn từ bỏ việc chém giết để tu tâm dưỡng tính cầu sống lâu, Đại hãn Mông Cổ thừa nhận mình không thể.
Doãn Chí Bình cùng Khâu Xứ Cơ tới gặp Thành Cát Tư Hãn (tranh: Sohu)
Trong cuộc gặp, Khâu Xứ Cơ được Thành Cát Tư Hãn khen là thần tiên, phong làm Nhất đại tông sư, được toàn quyền quản lý Đạo giáo trong thiên hạ (lúc bấy giờ cả Tống và Kim đều phải thần phục đế quốc Mông Cổ). Thành Cát Tư Hãn cũng cắt nhiều vùng đất mình chiếm được hiến cho Toàn Chân giáo. Phái Toàn Chân vì thế phát triển cực thịnh trọng giai đoạn Tống – Nguyên.
Suốt hành trình gian khó tìm gặp Thành Cát Tư Hãn, Doãn Chí Bình được Khâu Xứ Cơ khen ngợi là có bản lĩnh và hiểu biết nhất trong số 18 đệ tử đi cùng.
Năm 1227 Khâu Xứ Cơ qua đời, chức chưởng môn được truyền lại cho Doãn Chí Bình – đệ tử nổi bật nhất đời thứ 3 của Toàn Chân giáo. Lúc này, Doãn Chí Bình cũng là đạo sĩ nổi tiếng bậc nhất Trung Hoa. Đạo đức và hiểu biết của ông được cả hoàng đế hai nhà Tống, Nguyên kính trọng.
Trong chiến tranh Mông – Tống, Doãn Chí Bình chú trọng việc cứu giúp những người dân gặp nạn và đứng ngoài cuộc chiến. Ông nổi tiếng là một thầy thuốc giỏi và được người dân yêu quý.
Đạo sĩ Doãn Chí Bình kế thừa chức vị chưởng môn phái Toàn Chân, không hề biết võ công (tranh: Kknews)
Theo Sohu, khi người dân khắp nơi tới Thái Cực Cung (trụ sở chính của Toàn Chân giáo ở Bắc Kinh) dâng cống vật để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, Doãn Chí Bình đã một mực từ chối:
“Công đức của tôi quá nông cạn, làm sao chịu nổi lễ vật và hương hỏa ở đây?”
Doãn Chí Bình sau đó rời khỏi Thái Cực Cung – nơi ở của nhiều đời chưởng môn phái Toàn Chân – tìm tới một căn lều cỏ ở sau núi Chung Nam tu luyện.
Năm 1238, Doãn Chí Bình một mực từ chức trưởng môn phái Toàn Chân bất chấp sự ngăn cản của nhiều đệ tử. Ông dành phần đời còn lại sống ẩn dật và nghiên cứu Đạo giáo.
Trong quá trình tìm hiểu Đạo giáo, Doãn Chí Bình cho rằng trạng thái giác ngộ có liên quan rất lớn đến việc tích lũy công đức của con người và những hành động ở kiếp này có thể ảnh hưởng tới nhiều kiếp sau. Ông cho rằng, việc lựa chọn tu tập theo Phật giáo hay Đạo giáo đều không quan trọng. Tín đồ chỉ cần tích thật nhiều công đức, bài trừ dâm dục, đạt đến sự thanh thản trong tâm hồn là có thể tìm tới giác ngộ.
Theo Sohu, Doãn Chí Bình là người đặc biệt thích ngao du, truyền giáo. Ông cũng có công xây dựng và tu sửa hơn 100 đền thờ Đạo giáo ở Trung Quốc. Doãn Chí Bình cũng để lại cho hậu thế 3 cuốn “Bảo Quang tập”, khuyên con người tích cực làm điều thiện, buông bỏ sắc dục.
Năm 1251, Doãn Chí Bình qua đời. Mười năm sau, Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) truy phong ông danh hiệu Thanh Hoà Diệu Đạo Quảng Hoá Chân Nhân. Năm 1310, Doãn Chí Bình được Nguyên Vũ Tông (Khúc Luật Hãn) truy tặng danh hiệu Thanh Hoà Diệu Đạo Quảng Hoá Sùng Giáo Đại Chân Quân.
Có thể thấy rằng Doãn Chí Bình trong lịch sử là vị đạo sĩ đức cao vọng trọng, không màng danh lợi và đặc biệt là không ham mê nữ sắc như miêu tả trong các tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung.
Kim Dung bị chỉ trích trong lần lên núi Hoa Sơn (ảnh: Sohu)
Theo Kknews, trong sự kiện Hoa Sơn luận kiếm tổ chức năm 2003, cố nhà văn Kim Dung đã bị một số đạo sĩ thuộc Hiệp hội Đạo giáo Thiểm Tây ngăn cản, không cho lên núi tham dự với lý do các tiểu thuyết của ông “bôi nhọ Doãn Chí Bình”.
Nhóm đạo sĩ cho hay, chỉ vì tình tiết làm nhục Tiểu Long Nữ hoàn toàn hư cấu mà tên tuổi Doãn Chí Bình – chưởng môn phái Toàn Chân nổi tiếng lịch sử – bị bôi nhọ nghiêm trọng. Sau khi ban tổ chức đứng ra hòa giải, nhà văn Kim Dung mới được lên núi.
“Doãn Chí Bình là bậc đức cao vọng trọng của Đạo giáo. Tình tiết trong tiểu thuyết chỉ là hư cấu. Tôi không có ý bôi nhọ Đạo giáo, cũng không kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào”, Kim Dung trả lời phỏng vấn năm 2003.
Năm 2004, Kim Dung sửa lại các tiểu thuyết gốc của mình, tên Doãn Chí Bình được thay đổi thành Chân Chí Bình. Tuy nhiên, không ít độc giả phản đối thay đổi này của ông do đã quen với cái tên Doãn Chí Bình trong nguyên tác.
Cùng với việc chỉnh sửa tiểu thuyết, Kim Dung cũng đề nghị các nhà làm phim không miêu tả quá kỹ trường đoạn Chân Chí Bình làm nhục Tiểu Long Nữ để thể hiện sự tôn trọng đối với Đạo giáo và danh tiếng đạo sĩ Doãn Chí Bình
_____________
Trong kiếm hiệp Kim Dung, Vương Trùng Dương là người đã đánh bại cả 4 đại cao thủ võ lâm là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái và giành danh hiệu vô địch thiên hạ cùng cuốn Cửu âm chân kinh. Trong lịch sử, liệu Vương Trùng Dương có sở hữu tài giỏi như vậy? Mời các bạn tìm hiểu về nhân vật bí ẩn này trong bài kỳ sau, xuất bản trên mục Thế giới sáng 24.11.2021.