Dân Việt

Quân đội Ukraine lần đầu dùng tên lửa Mỹ tấn công phe ly khai: Nga cảnh báo rắn 

Đăng Nguyễn - The Drive 23/11/2021 17:45 GMT+7
Thông tin quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa chống tăng do Mỹ cung cấp để tấn công phe ly khai thân Nga ở miền đông được coi là diễn biến đáng kể. Tên lửa Javelin kết hợp với máy bay không người lái mang vũ khí, có thể làm thay đổi cục diện xung đột tiềm tàng với Nga.

img

Tên lửa Javelin được coi là nỗi khiếp sợ của xe tăng trên chiến trường.

Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Kirill Budanov lần đầu xác nhận rằng, quân đội nước này đã sử dụng tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp ở khu vực giao tranh với phe ly khai miền đông, theo trang mạng The Drive.

Tướng Budanov cũng kêu gọi Mỹ viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine “trước khi quá muộn”. Tướng Budanov là người cảnh báo nguy cơ Nga phát động chiến dịch quân sự từ 10 hướng nhằm vào Ukraine, sớm nhất vào tháng 1 năm sau.

“Chúng tôi cần hỗ trợ quân sự. Chưa có quốc gia nào ngoài Ukraine hiện đang có xung đột với Nga. Cuộc chiến ở miền đông Ukraine đã kéo dài 7 năm”, ông Budanov nói. “Bây giờ là lúc Mỹ nên hỗ trợ chúng tôi tất cả những gì có thể”.

Năm 2014, Nga âm thầm đưa đặc nhiệm đổ bộ, kiểm soát bán đảo Crimea. Nga cũng bí mật đưa quân và vũ khí tới hỗ trợ phe ly khai miền đông Ukraine.

Các phương tiện bọc thép hạng nặng và những khẩu pháo do Nga hỗ trợ giúp phe ly khai trụ vững trước các đợt tấn công từ quân đội chính phủ Ukraine.

Năm 2018, chính phủ Mỹ lần đầu tiên cung cấp cho Ukraine các tên lửa chống tăng Javelin, được coi là động thái thay đổi quan trọng của Mỹ về vấn đề xung đột miền đông Ukraine.

Tên lửa Javelin được coi là vũ khí chống tăng hàng đầu hiện nay, có thể bắn thẳng vào mục tiêu hoặc bắn lên trời, sau đó tên lửa sẽ lao theo hướng từ trên xuống vào mục tiêu. Một quả tên lửa Javelin nếu được khai hỏa chính xác có thể phá hủy bất kì mẫu xe tăng nào hiện nay.

Ngoài ra, trong một số tình huống, tên lửa Javelin cũng có thể được sử dụng để tiêu diệt trực thăng bay ở tầm thấp. Tên lửa Javelin có tầm bắn xa đáng kể, lên tới 5km, được coi là nỗi khiếp sợ của xe tăng.

img

Phe ly khai thân Nga hiện chỉ còn kiểm soát một phần khu vực miền đông Ukraine.

Năm ngoái, chính phủ Mỹ lần đầu cho phép quân đội Ukraine đưa tên lửa Javelin tới tiền tuyến, miễn là sử dụng với mục đích phòng vệ.

Theo The Drive, ông Budanov không cung cấp thông tin chi tiết về việc tên lửa Javelin được sử dụng khi nào và phá hủy các mục tiêu như thế nào.

Tháng trước, Ukraine công bố video quân đội nước này lần đầu sử dụng máy bay không người lái vũ trang (UAV) phá hủy một lựu pháo do Nga sản xuất ở miền đông Ukraine. Mẫu UAV TB2 do Ukraine mua của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tham chiến khiến Moscow phản ứng dữ dội.

“Tên lửa Javelin và UAV TB2 đóng vai trò răn đe hiệu quả, khiến người Nga phải suy nghĩ kỹ trước khi phát động tấn công”, ông Budanov nói.

Phản ứng trước thông tin trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Ukraine dường như muốn leo thang căng thẳng ở miền đông.

Ông Lavrov nói việc Ukraine đưa các tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất ra tiền tuyến là dấu hiệu rất đáng lo ngại. “Trong vài tuần gần đây, chúng tôi nhận thấy giới lãnh đạo Ukraine, đặc biệt là quân đội, có hành động hiếu chiến cực kỳ nguy hiểm”, ông Lavrov nói, nhấn mạnh nguy cơ xung đột leo thang.

Ông Lavrov cũng cáo buộc việc Ukraine sử dụng máy bay không người lái TB2 là vi phạm thỏa thuận Minsk về việc hạ nhiệt căng thẳng ở miền đông.

Trong một diễn biến liên quan, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là cân nhắc đưa vũ khí và cố vấn quân sự tới Ukraine. Mỹ có thể cung cấp thêm cho quân đội Ukraine tên lửa Javelin, tên lửa phòng không vác vai Stinger và một số vũ khí khác.