Dân Việt

Sốt đất “ăn theo quy hoạch”: Một vốn bốn lời hay là chiêu trò “đội lái”?

Quỳnh Chi 02/03/2021 14:07 GMT+7
Vẫn là một lô đất, lúc đầu có giá 100 triệu đồng một mét ngang, sau vài ngày đã tăng lên 300 – 400 triệu đồng. Nhiều người băn khoăn đây là câu chuyện đầu tư “một vốn bốn lời” hay thực chất là chiêu trò?

Tiền tỷ “chảy” vào túi chỉ sau vài ngày

Thông tin Bình Phước đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch sân bay lưỡng dụng có quy mô 500ha tại các xã An Khương, Tân Lợi, huyện Hớn Quản đã khiến cơn sốt đất cục bộ diễn ra suốt những ngày qua tại khu vực này.

img

Những lô đất đựa rao bán chênh tới 300 - 400 triệu đồng chỉ sau vài ngày

Thông tin từ những người dân địa phương cho biết giá đất mặt tiền các tuyến đường nhựa liên tục được đẩy giá, thậm chí tăng theo từng giờ. Những lô đất có giá từ 100 triệu đồng một mét ngang trong vài ngày đã tăng lên 300 – 400 triệu đồng. Nhiều người bỏ hàng chục tỉ đồng để thâu tóm các khu đất lớn rồi nhanh chóng cho máy móc san ủi để phân thành nhiều lô nhỏ hơn.

Những giao dịch diễn ra chớp nhoáng bằng hình thức đặt cọc rồi sang tay liên tục. Cứ như vậy có người kiếm được hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng chỉ trong vài ngày.

Còn nhớ thời gian gần đây, thị trường từng diễn ra các cơn sốt đất ảo ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Đức Hòa (Long An), Long Thành (Đồng Nai), Ứng Hòa (Hà Nội),… cho thấy, “kịch bản” đã diễn ra tương tự tại Bình Phước. Người hưởng lợi chính là các “nhà đầu tư lướt sóng” và “cò” – đối tượng môi giới.

Chính “các nhà đầu tư” này đã có kế hoạch từ trước, âm thầm mua đất với giá khá rẻ ở những khu vực mà họ dự định “kiếm mồi” rồi dùng nhiều cách để tung tin, “thổi” giá lên cao ngất ngưởng và ôm tiền khoản tiền lãi kếch xù rồi “biến mất”. Trong khi đó, những nhà đầu tư nhỏ, những người đến sau lao theo cơn sốt đã bị mắc kẹt, mua phải đất không thể làm sổ đỏ, thậm chí tiền mất, tật mang do thị trường không thể giao dịch.

Lợi nhuận chỉ là “bánh vẽ”

Nói về hiện tượng trên, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO một sàn BĐS cho biết, cơn sốt đất hiện nay ở Bình Phước là “mô típ” quen thuộc từng diễn ra ở nhiều nơi. Đầu năm 2020 tại các khu vực Bình Ba thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng từng xảy ra cơn sốt đất tương tự ngay sau khi có đề xuất xây dựng khu đô thị của một tập đoàn lớn.

img

Cơn "sốt đất nền" tại Ứng Hòa (Hà Nội) được cho là cuộc chơi của những nhóm "cò đất"

Đặc điểm của những cơn “sốt đất ảo” là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai. Thông qua lực lượng “cò đất” hùng hậu, giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất. Cơn sốt đất cũng chỉ diễn ra một thời gian ngắn.

Cũng theo vị CEO này, đây thực chất là cuộc chơi của những nhóm “đội lái”. Những người này có tài chính và nắm bắt các thông tin nhanh nhạy và sớm hơn. Họ là những người tạo ra cơn sốt đất, đẩy giá đất đạt đỉnh chốt lời rồi rút lui. Những người nhảy vào sau cùng sẽ “chết chìm”.

Quay trở lại "cơn sốt" ở Bình Phước, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs)  đánh giá, vừa có thông tin xây dựng sân bay, giá đất đã tăng là điều vô lý. Bởi sân bay chỉ đưa khách đến, còn những người dân ở đó không được hưởng lợi gì.

Phó Chủ tịch VARs khẳng định: Đây là tâm lý của những người không phải nhà môi giới chuyên nghiệp, chỉ là cò đất. Những cò đất này sẽ thổi các thông tin ra để làm sao dễ bán đất, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn.

"Các cò đất tự giao dịch với nhau và chuyện đó là chuyện bình thường, ông nọ bán cho ông kia, giống như đa cấp", ông Thanh nói.

Ông Thanh đặc biệt nhấn mạnh, nếu giá đất tăng bất thường, nhà đầu tư đừng dại mà rót vốn.

"Chỉ có vài thông tin về quy hoạch mà đất lên giá là không bình thường, thậm chí là có rủi ro, nên các nhà đầu tư khi đầu tư cần hết sức thận trọng, tìm hiểu thật kỹ", ông Thanh chia sẻ.