Bảnh bao, thu nhập cao?!
Phần lớn họ ăn mặc lịch sự, luôn bận rộn thậm chí xuất hiện không ít "siêu" môi giới có thu nhập khủng tới hàng trăm triệu mỗi tháng khiến hàng vạn lao động trẻ khác phải ước mơ.
Nghề môi giới BĐS từng khiến nhiều người đổi đời
Môi giới bất động sản từng được xem là nghề hái ra tiền bởi đây là dòng sản phẩm có giá trị lớn, hoa hồng luôn ở mức cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi sản phẩm bán được. Do đó, có những môi giới chỉ cần trong vài tháng bán được 1-2 sản phẩm cũng có thể đủ tiêu xài cho nửa năm.
Chị Minh Xuân – một môi giới BĐS trẻ theo nghề gần 10 năm, cho biết có rất nhiều người là đồng nghiệp của chị đã đổi đời nhờ công việc tư vấn bất động sản – điều đó hoàn toàn đúng.
“Tất nhiên chỉ là số ít thôi. Thực tế, công việc này rất khắc nghiệt, đặc biệt gần hai năm nay khi dịch bệnh hoành hành thì khó khăn hơn nhiều ”, chị Xuân nói.
Ưu điểm của công việc này là giờ làm việc tự do, được chủ động tìm kiếm khách hàng, thu nhập luôn mở… tuy nhiên do môi trường cạnh tranh quá khắc nghiệt, đặc biệt từ đầu năm 2019 trở lại đây, khi mà thị trường ngày càng khó khăn thì nghề môi giới lại càng trở nên khó nhằn hơn rất nhiều.
Anh Lê Nam – một môi giới khác làm việc tại sàn giao dịch BĐS Hà Nội cho hay, khoảng hai năm nay thu nhập giảm sút nhiều, thậm chí rơi thẳng đứng, xuống thấp nhất vào khoảng 2 tháng nay – khi dịch tái bùng phát thì lượng khách hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Phần vì không có dự án mới để bán, phần vì thị trường thứ cấp trầm lắng, đất nền đứng, khách mua căn hộ ngày càng khắt khe, dịch vụ cho thuê nhà cũng ế ẩm mùa dịch nên phí môi giới bằng không” – anh Nam nói.
Cũng do khó khăn nên hầu hết nhân viên sale mới vào nghề đã nghỉ việc tìm cơ hội khác. Những người trụ lại áp dụng chế độ cộng tác viên, mức lương cơ bản vốn đã thấp, cũng giảm xuống mức tối thiểu chỉ còn mang danh nghĩa hỗ trợ vượt khó 3 - 4 triệu đồng một tháng.
"Lương cơ bản 4 triệu đồng mỗi tháng, do không có khách nên phí môi giới bằng không, song chi phí chạy marketing mỗi tháng tốn gần chục triệu đồng, nên thu nhập của tôi bị âm gần 4 triệu đồng. Từ tháng tới tôi sẽ ngừng chạy quảng cáo, đành chấp nhận và hy vọng tình hình dịch sẽ nhanh ổn", anh Nam nói thêm.
Nói thêm về những khó khăn, chị Xuân cho hay cú sốc đầu tiên với hàng trăm ngàn môi giới là lúc thị trường bắt đầu bị siết chặt pháp lý, nguồn cung hạn chế, sức mua và cả nguồn hàng cũng cạn dần khiến cho nhiều người lao đao vì không thể bán được sản phẩm trong thời gian dài.
Nút thắt về pháp lý đang khiến nguồn cung trở nên khan hiếm tại các thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Ninh,… là áp lực rất lớn cho những công ty phân phối bất động sản và những người hành nghề môi giới bất động sản.
Đặc biệt, đầu năm 2020 đến nay khi dịch Covid-19 ập đến, nghề môi giới càng ngày càng phải đối mặt với hàng trăm ngàn khó khăn. Tính đến tháng 7/2021, khi mà đại dịch quay trở lại lần thứ 4 với tình hình trở nên căng thẳng và diễn biến khó lường, khoảng hơn 80% môi giới rơi vào tình trạng "ngồi chơi xơi nước", trong khi cả nửa năm không có lấy 1 đồng thu nhập nào. Thậm chí, nhiều sales bị nợ phí, nợ lương, phải đi vay mượn bạn bè, gia đình để cầm cự qua mùa dịch. Không ít người phải chấp nhận vay nóng để lo cho gia đình trong cơn biến cố.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á xác nhận, ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư vượt quá sức chịu đựng của nhiều sale bất động sản và cả các công ty môi giới địa ốc.
Sẽ có nhiều người phải bỏ nghề
Môi giới bất động sản từng được xem là công việc thu hút nhất, nhưng có lẽ sau đợt dịch Covid-19 đi qua nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại về nghề này. Khi mà thị trường đang khó khăn, không chỉ hiếm nguồn cung mà còn phải cạnh tranh về đất sống, các môi giới sẽ phải ngẫm lại về bản chất thật sự của nghề.
Hàng loạt sàn môi giới BĐS trong tình trạng phủ bụi, đăng biển "cho thuê nhà"
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thu nhập của môi giới bất động sản tại TP HCM nếu so với cùng kỳ năm ngoái, các nhân viên môi giới bị sụt doanh số do thị trường khó khăn, thanh khoản kém đã giảm đến 70-80% thu nhập".
“Thu nhập của sale bất động sản từ nguồn hoa hồng bán hàng là chính, lương cơ bản hàng tháng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm trung bình 12-15 triệu đồng một tháng. Sau bốn đợt dịch, thu nhập của môi giới hiện không đủ chi tiêu, phần lớn họ trang trải cuộc sống từ các nguồn tiền đã tích luỹ từ trước” – ông Lâm cho hay.
Cũng theo ông Lâm, tất cả các công ty môi giới phần lớn đều gặp rất nhiều khó khăn, giao dịch giảm mạnh do ảnh hưởng trực tiếp từ việc số ca nhiễm tăng, nhiều nơi phong tỏa. Nguồn cung sản phẩm cũng có những trở ngại khi chủ đầu tư nhìn thấy bức tranh chưa thuận lợi có thể sẽ cân nhắc việc tung sản phẩm giai đoạn hiện nay và chờ đợi.
“Hiện chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dịch bệnh đã đẩy một lượng lớn các công ty môi giới địa ốc quy mô vừa và nhỏ rời thị trường vì không đủ năng lực duy trì hệ thống, kéo theo nhiều sale bất động sản thất nghiệp. Đây là cuộc đại sàng lọc ngành môi giới, dẫn đến số lượng sale địa ốc bỏ nghề, chuyển nghề tăng mạnh” – ông Lâm nói thêm.
Theo lãnh đạo Hội môi giới bất động sản, lực lượng hành nghề môi giới bất động sản hiện có khoảng 300.000 người tham gia. Mỗi năm lực lượng này kết nối cung cầu thành công lên tới trăm ngàn sản phẩm bất động sản, với giá trị sản lượng ước đạt khoảng nửa triệu tỷ đồng.