Dân Việt

Chỉ nghĩ bị rối loạn tiêu hóa, người đàn ông sốc khi bác sĩ thông báo ung thư trực tràng

Diệu Thu 02/04/2021 11:55 GMT+7
Anh B. 36 tuổi vô tình phát hiện ra mình bị ung thư trực tràng sau lần kiểm tra sức khỏe định kỳ theo công ty.

Đi khám mới biết nhầm bệnh

Anh N.H.B (36 tuổi, ở Thái Bình) có triệu chứng đi đại tiện ra máu, nhưng chủ quan nghĩ là rối loạn tiêu hóa thông thường. Anh B. vô tình phát hiện ra mình bị ung thư đại trực tràng sau lần kiểm tra sức khỏe định kỳ theo công ty.

Tương tự như trường hợp của anh B, khoảng 1 tháng gần đây, ông Đ.N.T., 68 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội, xuất hiện triệu chứng đau nhức kèm theo tê mỏi vùng vai trái và cánh tay trái. Chủ quan nghĩ rằng bệnh tuổi già, nên chỉ khi có thêm các triệu chứng đại tiện nhiều trong ngày, phân táo, cứng, có nhầy máu, lúc này bệnh nhân mới bắt đầu đi khám.

img

Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết đang điều trị đái tháo đường, trong gia đình không ai mắc bệnh lý đại trực tràng hay phát hiện gì bất thường.

Tuy nhiên, đến bệnh viện, bệnh nhân T được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm chuyên sâu và nội soi gây mê.

Cứ nghĩ rằng triệu chứng đau mỏi vùng vai, cánh tay là bệnh lý xương khớp thông thường và bệnh của tuổi gia. Vì vậy, khi nhận kết quả khám kết luận là ung thư trực tràng khiến bệnh nhân vô cùng hoang mang, sững sờ biết mình mắc bệnh “tử thần”.

Theo BSCKI. Lê Văn Khoa, chuyên khoa Tiêu hóa, qua quá trình thực hiện nội soi gây mê, phát hiện tổn thương là một khối sùi nham nhở, mủn nát, chạm vào dễ chảy máu cách rìa hậu môn khoảng 12 cm. Ngay lúc đó, chúng tôi lấy mẫu thực hiện sinh thiết 5 mảnh ở bờ khối sùi cho kết quả ung thư trực tràng.

Ung thư đại trực tràng đang trẻ hóa

Bệnh viện K Trung ương cho biết, tại Việt Nam, năm 2000, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là 5.400 ca, đến năm 2010 đã là hơn 13.000 ca và đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.000 ca, gấp gần 3 lần trong vòng 18 năm, trong đó có gần 9.300 ca tử vong.

Tương tự, tỷ lệ mắc/dân số cũng tăng nhanh chóng. Năm 2000, tỷ lệ này là 11,4/100.000 dân, sau 10 năm, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi lên mức 19/100.000 dân. Đến năm 2018, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở nước ta đã lên mức 26,3/100.000 dân, tương đương gần 33.000 người đang phải sống chung với căn bệnh này.

Mỗi năm nước ta ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới, tỉ lệ 26,3/100.000 người dân và khoảng 7.000 ca tử vong. Chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ này ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh.

Các khối u thường phát triển từ những khối polyp tiền ung thư và diễn biến thầm lặng. Bởi vậy, đa số bệnh nhân chỉ được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám nếu thấy xuất hiện một số triệu chứng bất thường sau:

- Rối loạn đại tiện, táo bón kéo dài. Liên tục xuất hiện cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên, đi ngoài không hết phân;

- Đau bụng thường xuyên. Đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen;

- Mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân.

Đặc biệt, những trường hợp sau nên lưu ý bởi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

- Những người ngoài 50 tuổi;

- Gia đình có tiền sử bị ung thư đại trực tràng;

- Tiền sử polyp đại tràng; có chứng viêm ruột;

- Lối sống không lành mạnh;

- Có bệnh lý nền về đái tháo đường.

Chủ động thăm khám, dự phòng điều trị để sống khỏe mỗi ngày.

Ung thư đại trực tràng rất nguy hiểm, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm sẽ giúp tăng khả năng điều trị.

Ngoài ra, người dân nên xây dựng lối sống khoa học, chế độ ăn nhiều rau xanh, tập thể dục thường xuyên. Thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ 2 lần/1 năm để sàng lọc sớm các yếu tố nguy cơ, giúp phát hiện polyp và ung thư trực tràng thông qua phương pháp khám lâm sàng, xét nghiệm chuyên sâu, nội soi,...