Mười tám tháng sau khi chính quyền Trump ký thỏa thuận thương mại, nhưng thực chất thỏa thuận đó chỉ là một thỏa thuận đình chiến, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ vẫn chưa được thu hẹp, hầu hết các khoản thuế vẫn được áp dụng và nó chưa dẫn đến các cuộc đàm phán nào về các vấn đề kinh tế khác với Trung Quốc.
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, thương mại hai chiều hàng tháng giảm xuống còn 19 tỷ USD vào tháng 2 năm ngoái trong bối cảnh các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa. Hiện tại, con số này đã được phục hồi trong thời gian qua, lên mức kỷ lục mới. Và sự bùng nổ đó có vẻ sẽ tiếp tục, với việc Trung Quốc mua hàng triệu tấn hàng nông sản của Mỹ cho năm nay và năm sau, và người tiêu dùng Mỹ cách ly tại nhà vẫn mua sắm và nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc với số lượng kỷ lục.
Mặc dù các con số của chính phủ Hoa Kỳ có phần khác nhau, nhưng hoạt động thương mại nhộn nhịp đã phá vỡ mọi dự đoán rằng cuộc chiến thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD sẽ buộc phải tách chuỗi cung ứng.
Thay vào đó, cả hai bên đã học cách sống chung với các loại thuế, với các công ty Trung Quốc mua nhiều hơn để đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận thương mại năm 2020, và các công ty Hoa Kỳ mua những loại hàng hóa mà họ không thể có được ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu gia tăng cao, một phần được thúc đẩy bởi gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD từ chính phủ.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, tổng giá trị thương mại của hai quốc gia này vẫn tăng 50,3%, đạt 224,8 tỷ USD. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 49,3%, nhập khẩu từ Mỹ tăng 53,3%. Gần một nửa trong số hàng hóa trị giá 259 tỷ USD di chuyển ra vào cảng Los Angeles - cảng lớn nhất của Mỹ - có liên quan đến Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc).
Nhu cầu hàng hóa của Mỹ không hề suy giảm, bất chấp người dân bị mắc kẹt ở nhà. Các lô hàng cập cảng với lượng kỷ lục vào tháng 5 khi các doanh nghiệp bắt đầu bổ sung hàng hoá trước mùa mua sắm Giáng sinh.
NRF’s Gold cho biết, với việc áp thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ giày dép, quần áo đến đồ điện tử, xe đạp và thậm chí cả thức ăn cho vật nuôi, nhiều nhà bán lẻ Hoa Kỳ đang chọn cách tiết kiệm chi phí và giảm tỷ suất lợi nhuận của họ. Một số đang chuyển những khoản thuế này sang người tiêu dùng.