Dân Việt

Nguy cơ xung đột quân sự Nga-Ukraine lớn đến mức nào?

Đăng Nguyễn - Reuters 25/11/2021 05:55 GMT+7
Mỹ và các đồng minh phương Tây bày tỏ quan ngại về nguy cơ Nga sắp phát động tấn công quân sự Ukraine, trong khi Nga khẳng định Mỹ và Ukraine cố tình leo thang căng thẳng.

img

Xe tăng T-80U là vũ khí chủ lực của Nga nếu xung đột với Ukraine nổ ra.

Quan hệ Nga-Ukraine sụp đổ vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở miền đông Ukraine. 

Căng thẳng kéo dài suốt 7 năm chưa có hồi kết, đến nay lại leo thang trước nguy cơ Nga tấn công quân sự Ukraine. Hãng tin Reuters gần đây đăng bài phân tích chi tiết tình hình Ukraine và Nga.

Nga và Ukraine nói gì về nguy cơ xung đột quân sự?

Nga phủ nhận đe dọa nước khác và khẳng định có quyền điều quân ở bất cứ nơi nào trong phạm vi lãnh thổ nếu cần thiết. Nga cáo buộc Ukraine và NATO thổi phồng căng thẳng.

Nga cũng đặt dấu hỏi về khả năng Ukraine phát động chiến dịch quân sự nhằm thu hồi vùng Donbass hiện do phe ly khai kiểm soát.

Cơ quan tình báo Nga tuần này thông báo tình hình khu vực leo thang tương đương cuộc xung đột Nga-Gruzia năm 2008.

Ukraine bác bỏ cáo buộc của Nga, cho rằng Moscow mới là bên sắp phát động chiến dịch quân sự với gần 100.000 quân tập trung ở biên giới.

Nguy cơ Nga tấn công quân sự Ukraine

Reuters phỏng vấn nhiều nguồn tin, bao gồm quan chức tình báo phương Tây và Nga. Gần như tất cả đều tin rằng, khả năng xung đột sắp xảy ra là không cao.

Kịch bản khả dĩ hơn cả, là Nga sử dụng vũ lực nhằm răn đe phương Tây về “ranh giới đỏ” trong vấn đề Ukraine. Tình hình hiện tại giống với hồi đầu năm, khi Nga leo thang căng thẳng với Ukraine và sau đó tự hạ nhiệt căng thẳng bằng cách rút quân.

Theo cách này, Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến phương Tây không thể biết chắc khi nào Nga thực sự tấn công quân sự.

Nếu xung đột nổ ra, kịch bản sẽ như thế nào?

Nga hiện có 900.000 quân chính quy so với 209.000 quân bên phía Ukraine, tương đương gấp 4 lần, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).

Samir Puri, chuyên gia của IISS, nói lợi thế của Nga là ở miền đông Ukraine. Nga có thể liên kết với phe ly khai miền đông, giúp phe ly khai mở rộng quyền kiểm soát trong lãnh thổ Ukraine.

Trong trường hợp xung đột quy mô lớn, Nga có thể đồng thời tấn công từ Belarus, từ phía đông hoặc phía nam, qua bán đảo Crimea và đổ bộ chiếm hai thành phố chiến lược Odessa và Mariupol của Ukraine.

Ukraine có thể phòng vệ ra sao?

img

Tháng trước, Nga rầm rộ huy động binh sĩ và vũ khí đến sát biên giới Ukraine.

Quân đội Ukraine ngày nay mạnh hơn nhiều so với năm 2014, khi để mất bán đảo Crimea vào tay Nga. Ukraine nhận được sự hậu thuẫn đáng kể của Mỹ.

Những năm qua, Mỹ đã chuyển cho Ukraine nhiều vũ khí sát thương hiện đại, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. Mỹ cũng cung cấp cho Ukraine các thông tin tình báo quân sự mới nhất.

Nhưng năng lực tấn công trên bộ của Nga rất mạnh, với khả năng tung hàng ngàn xe tăng chủ lực vào chiến trường.

“Đối với Ukraine, vấn đề là cố gắng chống đỡ đến khi nào có thể, và chờ đợi sự hỗ trợ từ phương Tây, từ đó tìm cách phản công”, Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu tại London, Anh, nói. “Nếu Nga tấn công tổng lực, vấn đề sẽ chỉ là Ukraine khiến Nga chịu tổn thất đến mức nào”.

Điều gì có thể răn đe Nga?

Mỹ và phương Tây áp đặt cấm vận Nga kể từ sau sự kiện năm 2014, khiến nền kinh tế Nga lao dốc. Mỹ có thể áp đặt thêm một loạt các biện pháp cấm vận mới, đặc biệt là ngăn khí đốt từ Nga chảy qua đường ống Nord Stream 2 để tới Đức.

Nga cũng có nguy cơ khiến quan hệ với phương Tây đổ vỡ nếu tấn công Ukraine. Hiện chưa rõ NATO có đưa quân hỗ trợ Ukraine hay không, vì làm tăng nguy cơ xung đột toàn diện.

“Giới lãnh đạo NATO và Nga sẽ phải tính toán kỹ nếu leo thang căng thẳng. Nếu NATO đưa quân chiến đấu, Nga có thể sẽ bị bất ngờ”, chuyên gia Puri nói. “Nếu như vậy, Ukraine sẽ trở thành chiến trường của Nga và NATO”.