Dân Việt

Cô gái mới 19 tuổi đã phải chạy thận cả đời, người trẻ đừng chủ quan với căn bệnh này

Phan Hằng (Theo Aboluowang) 26/03/2021 04:42 GMT+7
Một cô gái sau khi mệt mỏi trong thời gian dài, đến lúc nôn mửa dữ dội mới được đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn, phải chạy thận cả đời.

Phương Phương (19 tuổi) ở Trung Quốc thường được mọi người biết đến là một cô gái học giỏi, trắng trẻo nhưng lại hay ốm yếu. Sau khi lên cấp 3, cô luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức đến mức không thể leo hết các bậc cầu thang. Thậm chí, gia đình cho rằng thể trạng của cô quá yếu nên xin miễn học thể dục dài hạn.

Vì thể trạng yếu ớt nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, Phương Phương không tiếp tục đi học mà dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi ở nhà. Tuy nhiên, sau nửa năm, cơ thể của cô vẫn không cải thiện và có dấu hiệu trầm trọng hơn.

img

Còn trẻ nhưng cô gái này đã phải chạy thận cả đời.

Vào tháng 1 năm nay, Phương Phương cảm thấy không thèm ăn, ăn xong có cảm giác buồn nôn, suy nhược cơ thể, phải nằm trên giường cả ngày, uể oải, bơ phờ. Không lâu sau đó, cô nôn mửa dữ dội nên được cha mẹ đưa tới Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu và chuyển từ khoa cấp cứu sang khoa thận.

Sau khi nghe những triệu chứng của Phương Phương, Cao Xán, bác sĩ tại khoa Thận cảm thấy có điều gì đó bất ổn. Cô được tiến hành xét nghiệm máu và nước tiểu, kết quả cho thấy có dấu hiệu của nhiễm độc niệu do viêm thận mãn tính. Sau khi điều trị, tình trạng của cô đã ổn định, nhưng phải chạy thận cả đời nếu không tìm được người ghép thận.

Người trẻ đừng quá tự tin về sức khỏe của mình

Trước đây, bệnh nhiễm độc niệu thường chỉ xuất hiện ở người cao tuổi nhưng hiện nay nó đang có xu hướng trẻ hóa. Bác sĩ Cao cho biết: “Nói một cách tương đối, người trung niên và người cao tuổi thường chú ý tới sức khỏe của mình hơn, họ thường xuyên đi khám bệnh, có thể phát hiện ra các vấn đề sớm và được điều trị kịp thời.Tuy nhiên, người trẻ thường ỷ lại sức khỏe của mình tốt nên ít khi để ý đến những tín hiệu bất thường của cơ thể, trở thành nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao”.

img

Trong thực tế, bằng cách đi khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện được phần lớn các căn bệnh liên quan tới thận.

Bác sĩ Cao cho biết, không phải trường hợp bệnh nhân suy thận, nhiễm độc niệu ngay khi đi kiểm tra. Vì giai đoạn đầu của bệnh thận thường không có triệu chứng cụ thể. Chúng ta cần biết rằng, thận được cấu tạo bởi khoảng 1 triệu nephron, khi một số nephron bị bệnh, những nephron còn sống sẽ bù đắp các chức năng và đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của cơ thể. Do đó, khi chức năng thận bị tổn thương ở giai đoạn đầu, mọi người thường khó phát hiện ra. Khi bị tiểu đêm nhiều hơn, kém ăn, buồn nôn và nôn, thậm chí chóng mặt, nhức đầu, tăng huyết áp nặng,… thì thường là thận đã bị tổn thương không hồi phục. Đây là lý do khiến nhiều người bị suy thận, thậm chí là nhiễm độc niệu ngay khi phát hiện bệnh.

Chú ý đến những tín hiệu “đau khổ” này từ thận

Làm thế nào để phát hiện ra thận đang “kêu cứu”? Bác sĩ Cao cho biết, ngoài việc xem các chỉ số khám sức khỏe, thực tế còn có các dấu hiệu của bệnh thận.

- Tiểu đêm

Người khỏe mạnh thường không đi tiểu nhiều hơn 2 lần vào ban đêm và tổng lượng nói chung là dưới 700ml. Loại trừ các yếu tố như mất ngủ, uống nhiều nước hoặc ăn thức ăn lợi tiểu trước khi đi ngủ. Nếu bạn thường xuyên dậy vào ban đêm, cần phải chú ý và đến bệnh viện để kiểm tra.

- Nước tiểu thay đổi

Sau khi đi tiểu, hãy chú ý đến đặc điểm và màu sắc của nước tiểu. Nước tiểu bình thường phải có màu vàng nhạt và trong suốt. Bọt sau khi đi tiểu thường nhanh chóng biến mất. Nếu bọt trong nước tiểu tăng lên và không biến mất trong thời gian dài, hoặc màu nước tiểu thay đổi, hãy nghĩ tới khả năng mắc bệnh thận.

- Tăng huyết áp không rõ nguyên nhân

Nếu phát hiện một người trẻ tuổi bị cao huyết áp và không có tiền sử gia đình, không béo phì và các yếu tố nguy cơ cao khác, cần nghi ngờ tăng huyết áp do thận.

img

- Phù nề

Khi mất nhiều protein trong nước tiểu hoặc nạp quá nhiều nước, người ta sẽ bị phù nề. Nếu không có vấn đề gì khác về tim hoặc gan thì cần phải cảnh giác xem thận có vấn đề gì không.

- Mệt mỏi, kém ăn

Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh thận sẽ buồn ngủ, thiếu năng lượng, kém ăn, trường hợp nặng còn bị nôn, chóng mặt, đánh trống ngực, những triệu chứng này có thể do nhiều bệnh lý gây ra, trong đó có khả năng là thận bị tổn thương.