Dân Việt

Cảm ơn những hy sinh: Rơi nước mắt khi lắng nghe “tiếng lòng” của những chiến sĩ áo trắng nơi tâm dịch

26/05/2021 05:55 GMT+7
Quên ăn, không ngủ, những con người “thép” ấy đang từng ngày chiến đấu với dịch Covid, giành giật sự sống cho người bệnh. Hy sinh sức khỏe, hạnh phúc của bản thân, họ được nhân dân gọi là những chiến sĩ áo trắng anh dũng. Kiên cường là thế, nhưng họ cũng có phút yếu lòng, rơi lệ khi nhắc về những đứa con thơ nơi quê nhà…

Đau đầu, tụt huyết áp, ngất xỉu là bình thường – Nhưng không được phép ốm!

Có một cuộc chiến không tiếng súng, không có bom rơi, đạn lạc! Đó là cuộc chiến chống giặc Covid đang sục sôi từng ngày. Số ca mắc Covid tăng lên, hàng trăm nhân viên y tế đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Có mặt tại xã Hoàng Ninh (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) những ngày này, chúng ta sẽ thấy họ - những chiến sĩ áo trắng đi từng ngõ ngách, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm. Chị Nguyễn Thị Hương (điều dưỡng viên, BV Việt Nam - Thụy Điển, Quảng Ninh) là 1 trong 200 chiến sĩ áo trắng hỗ trợ chống dịch Covid ở Bắc Giang. Chị cho biết: “Ban đầu, người dân sẽ có mặt ở địa điểm tập trung để lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa 2 người. Nhưng sau này, khi số ca mắc tăng lên, để tránh tụ tập quá đông người và đối với những trường hợp người già, người ốm thì chúng tôi sẽ đến từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm. Tìm ra F sớm phút nào là may mắn phút ấy”.

img

Phương tiện di chuyển đến các thôn xã của chị Hương và đồng nghiệp.

Hơn 12g trưa, chị Hương và đồng nghiệp trở về “chiến khu” là hội trường thôn – nơi tập trung xét nghiệm cho bà con. Tại đây, các nhân viên y tế vẫn đang cặm cụi lấy mẫu và lưu mẫu để thực hiện xét nghiệm. Chị Hương gọi họ là những con người “không biết đói và chẳng cần ngủ”.

img

Họ được trùm kín trong bộ bảo hộ, mặt đeo khẩu trang, đầu đội mũ. Cách họ nhận ra nhau cũng rất khác biệt, không cần bảng tên, chỉ nhìn những ký hiệu đặc biệt sau lưng đã đủ để biết đây là ai. Giữa khí trời oi nóng của mùa hè, mồ hôi họ túa ra như mưa. Toàn cơ thể họ ướt sũng. Tay hoạt động liên tục, chân đứng và đi lại không nghỉ nên đau mỏi rã rời. Mặt ai cũng đỏ phừng phừng lên. Vì quá sức mà không ít người bị ngất đi ngay giữa trưa. Mải miết theo guồng quay của công việc nên bữa trưa của họ thường bắt đầu khi đã 1-2 giờ chiều. Họ thay phiên nhau ăn vội vàng để rồi nhanh chóng quay lại công việc.

img

Một ngày làm việc của các nhân viên y tế thường kéo dài trên 20 tiếng với hàng nghìn mẫu xét nghiệm. Bởi vậy, ở nơi tiếp nhận các mẫu xét nghiệm CDC Bắc Giang, chúng ta sẽ gặp những “người không ngủ” như anh Đặng Đình Nguyên. Là người chịu trách nhiệm phân chia mã hóa các mẫu bệnh phẩm trước khi đến khâu chạy xét nghiệm nên công việc của anh Nguyên chẳng ai làm thay được. Anh gần như thức trắng đêm. Lúc nào mệt quá, anh chỉ gục xuống, chợp mắt trong 1-2 giờ rồi lại thức dậy làm việc tiếp. Nước da anh sạm đi, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ.

img

Một điểm nóng khác với số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh là xã Mão Điền (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Công suất xét nghiệm được huy động tối đa. Chị Nguyễn Thị Chiền - Điều dưỡng Trạm Y tế xã Hoài Thượng (Thuận Thành - Bắc Ninh) tâm sự: “Làm việc với cường độ cao thế này, chuyện đau đầu, tụt huyết áp, ngất xỉu là bình thường nhưng chúng tôi luôn cố gắng để không bị ốm. Lực lượng mỏng, công việc nhiều nên chỉ cần một đồng đội gục là sẽ không có ai có thể làm thay”. Cường độ làm việc liên tục, gấp gáp nên giấc ngủ đối với họ càng trở nên xa xỉ.

Những tâm sự giấu kín của các ông bố bà mẹ áo trắng…

Không thể gục ngã vì dịch vẫn đang rất “căng”. Nhưng những phút yếu lòng là điều không thể tránh khỏi mỗi khi họ nhớ về gia đình nhỏ của mình. Họ cũng là những ông bố bà mẹ như bao người khác và cũng có những đứa con thơ đang chờ mong ở nhà.

Sau mỗi ngày làm việc, chị Hương luôn canh cánh nỗi lo về 2 đứa con thơ đang ở nhà trong khi chồng vẫn đang ốm. Con gái lớn lại chuẩn bị thi vào lớp 10.

2-3 giờ sáng trở về phòng, chị lại vội gọi điện qua zalo để được nhìn thấy mặt con. Trong mỗi cuộc trò chuyện, chị lại nhận được hàng tá câu hỏi của cậu con trai nhỏ: Mẹ có nhớ con không? Bao giờ mẹ về? Con đi cùng mẹ được không? Mùng 1/6 này mẹ có về tặng quà con không?... Mỗi câu hỏi ngây thơ của bé càng khiến tim chị thắt lại. Lúc đó, chị chỉ biết hứa: “Dịch yên, mẹ sẽ về”!

img

Hình ảnh của hai con được chị Hương cài làm hình nền điện thoại để đỡ nhớ!

Còn chị Chiền thì vẫn buồn lòng khi nhớ đến câu trách của con: "Mẹ nói dối con, sao sinh nhật con mẹ không về”.  Ngày 14/5 là sinh nhật của con gái lớn Minh Ngọc. Trước khi dịch bệnh bùng phát, chị đã hứa sẽ tổ chức sinh nhật và tặng quà là một cô công chúa Elsa mà con mong ước. Nhưng vì nhiệm vụ, chị đành thất hứa với con. Khi nói chuyện với mẹ, bé khóc nức nở, bảo mẹ nói dối, sinh nhật con sao mẹ không về, con không cần quà, chỉ cần mẹ thôi… Nhớ lại cảnh đó, sống mũi chị lại cay cay.

img

Minh Ngọc (trái) mới 5 tuổi đã biết thay mẹ chăm em.

Vợ chồng chị Chiền vốn chưa có nhà riêng, phải ở nhờ nhà người cậu. Chồng bị tai nạn, lao động và đi lại khó khăn nên chị buộc phải gửi con nhờ bà chăm sóc. Dịch bùng phát, các khu vực bị phong tỏa, anh cũng không đi thăm các con được. Vì hoàn cảnh không có bố mẹ ở bên nên con gái lớn dù mới 5 tuổi nhưng đã rất tự lập, biết giúp mẹ trông em, cho em ăn. Cứ nghĩ đến các con là chị lại không cầm được nước mắt nhưng không dám gọi điện nhiều vì sợ con khóc, mẹ khóc.

Cảm ơn những hy sinh – Trào quà yêu thương tới các “dũng sĩ” nhỏ

Sự hy sinh của các chiến sĩ áo trắng là điều mà bất kỳ ai trong chúng ta đều cảm nhận. Nhưng còn một sự hy sinh thầm lặng khác mà ít người chú ý chính là sự hy sinh từ hậu phương của họ. Đặc biệt, những đứa trẻ - con trai, con gái của họ sẽ phải chịu vô số thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa. Không được cha mẹ ở bên yêu chiều, vỗ về; không được chăm sóc bữa cơm giấc ngủ… Và ngày Quốc tế thiếu nhi, liệu các bé có được nhận quà tặng từ cha mẹ mình?

img

Với mong muốn sẻ chia và tiếp thêm sức mạnh cho các “chiến sĩ”, “dũng sĩ” ấy, chiến dịch “Cảm ơn những hy sinh” đã ra đời. Với 1000 món quà (mỗi món quà trị giá 500.000 đồng), chương trình sẽ thay 1000 y bác sĩ nơi đầu chiến tuyến tặng quà cho các con trong ngày Quốc tế thiếu nhi. Mỗi món quà nhỏ là lời động viên tới các “dũng sĩ” nhỏ nơi hậu phương và là sự tri ân, biết ơn đối với những chiến sĩ áo trắng đang gống mình chống giặc Covid.

img

Hãy cùng chiến dịch “Cảm ơn những hy sinh” mang những thông điệp yêu thương gửi đến với các “dũng sĩ” nhỏ, lan tỏa tới cộng đồng để 1000 món quà ý nghĩa được trao tận tay các em nhỏ trong ngày 1/6 sắp tới bạn nhé!

Fanpage chiến dịch: https://www.facebook.com/camonnhunghysinh

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh