Tiếp đà tăng, giá lợn hơi ngày 27/10 đạt khoảng 48.000 - 52.000 đồng, dần phục hồi từ mức đáy chỉ 32.000 - 38.000 đồng/kg hôm 20/10.
Sự quay đầu của giá lợn hơi những ngày gần đây khiến nhiều hộ chăn nuôi thấp thỏm. Nhiều ý kiến băn khoăn là nên bán hay tiếp tục đợi tăng giá.
Một số người cho rằng thời điểm này nên bán và không nên mạo hiểm chờ thêm vì biết đâu giá có thể quay đầu giảm. Bên cạnh đó, việc bán thời điểm này sẽ giúp giải quyết được số heo hơi bị quá lứa đồng thời có thêm vốn để kịp tái đàn cho thời điểm Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng giá heo sẽ còn tăng và nên đợi thêm.
Lợn hơi đến lứa nên xuất bán
Theo đại diện Cục Chăn nuôi đến thời điểm này chưa có hy vọng gì về việc giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm. Bởi lẽ hiện nay quá trình vận chuyển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về Việt Nam vẫn gặp trục trặc, chi phí vận chuyển các mặt hàng này tăng cao từ 200-300% so với trước. Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ điều chỉnh tăng giá bán khoảng 1 đến 2 đợt.
Bên cạnh đó, việc dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đang quay trở lại ở một số địa phương cũng là rủi ro đối với người chăn nuôi nếu tiếp tục giữ lợn đã đến thời kỳ xuất bán. Nếu đàn heo bị nhiễm coi như người dân mất trắng.
Chính vì vậy, việc giữ lại đàn lợn đã đến lứa tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Vào các thời điểm giá lợn hơi biến động mạnh trong quá khứ, người chăn nuôi khá bị động. Khi giá lợn hơi lao dốc, hoạt động bán tháo xảy ra ở nhiều địa phương nhưng khi tăng mạnh, thậm chí đạt kỷ lục trên 100.000 đồng/kg như năm ngoái, người nuôi lại găm hàng, không muốn bán ra vì kỳ vọng giá còn tăng tiếp.
Thông thường, heo xuất chuồng khi đạt trọng lượng 100 - 120 kg. Vượt qua mức này, heo sẽ tạo mỡ và sẽ mất giá hơn trong khi người nuôi phải gánh chi phí thức ăn vốn đã liên tục tăng từ đầu năm đến nay.
Vừa qua, do giãn cách xã hội, có tới 30% lượng lợn đủ tuổi xuất chuồng nhưng không thể bán (tương đương 1,5 triệu con), dẫn đến quá lứa. Do đó, đây được xem là cơ hội tốt để người nuôi bán ra để tái đàn mới.