Tại một trang giao dịch bất động sản trực tuyến, nhiều người dễ dàng tìm kiếm hàng loạt thông tin rao bán cắt lỗ tới cả trăm triệu đồng/căn.
Sau Tết, hàng loạt thông tin rao bán căn hộ cắt lỗ hàng trăm triệu đồng
Chị Bùi Thị Linh – Chủ một căn hộ 2 phòng ngủ tại khu đô thị trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, do mất việc làm, vợ chồng chị không còn khả năng chi trả tiền gốc lãi ngân hàng cho căn nhà nên phải rao bán cắt lỗ 200 triệu đồng với giá 1 tỷ 650 triệu đồng.
“Mỗi tháng vợ chồng tôi phải trả gốc lãi 15 triệu đồng, giờ không có việc làm không có thu nhập nên dù tiếc cũng đành phải bán nhà. Tôi rao bán cắt lỗ 200 triệu, coi như tặng lại toàn bộ nội thất của căn nhà” – chị Linh nói.
Tương tự, một chủ căn hộ diện tích 65m2 với 2 phòng ngủ ở chung cư VOV Mễ Trì cũng đang được rao bán cắt lỗ với giá rẻ hơn thị trường 140 triệu đồng từ cuối năm vừa rồi. Thế nhưng, đến nay anh Hòa – chủ căn hộ cho biết, vẫn chưa bán được.
Không chỉ chung cư bình dân, một số căn hộ cao cấp ở khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình cũng đang thanh lý ồ ạt, với mức cắt lỗ từ 400 - 500 triệu đồng, thậm chí có căn tới 800 triệu đồng.
Căn hộ có 3 phòng ngủ được rao giảm giá sâu tới 20%
Anh Nguyễn Tuấn Anh là người mua căn hộ ở một dự án cao cấp thuộc quận Cầu Giấy với mục đích để cho thuê. Dự án vừa bàn giao xong và đang làm sổ đỏ. Căn hộ có diện tích rộng hơn 170m2, anh mua với giá gốc 37,5 triệu đồng/m2, tương đương giá 6,4 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, kế hoạch cho thuê nhà sẽ không còn được như trước nên anh Tuấn Anh quyết định rao bán, chấp nhận cắt lỗ gần 300 triệu đồng.
“Tình hình dịch bệnh phức tạp, sẽ khó khăn trong việc cho thuê căn hộ giá cao nên tôi đành chấp nhận bán lỗ. Thời điểm này nếu giữ nhà đó hoặc đầu tư một khoản nội thất nữa thì không biết bao giờ có thể thu hồi được vốn nên bán cắt lỗ cho nhanh gọn” – anh Tuấn Anh nói.
Đại diện một sàn giao dịch bất động sản có trụ sở tại Thanh Xuân thừa nhận, làn sóng rao bán, cắt lỗ căn hộ cao cấp đã xuất hiện từ cuối năm 2020, và bắt đầu có xu hướng ồ ạt vào giai đoạn trước Tết Nguyên đán.
"Từ nay cho tới hết năm 2021, làn sóng bán tháo các căn hộ cao cấp vẫn sẽ tiếp diễn. Đây chính là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư có nhu cầu "bắt đáy" phân khúc này", vị này nói.
Nhiều căn hộ cao cấp tại các quận trung tâm cũng đồng loạt rao bán cắt lỗ do không có khách thuê
Theo quan sát trên thị trường, việc cắt lỗ này chủ yếu là ở thị trường thứ cấp, những nhà đầu tư cần vốn nên bán hoặc những gia đình mua nhưng không có nhu cầu sử dụng hoặc đổi nhà thì bán lỗ.
Trước hàng loạt ma trận rao bán “cắt lỗ”, với những người mua liệu rằng có thực sự là “món hời”?
Trao đổi về việc này, chị Nguyễn Thị Hà – đại diện một sàn bất động sản tại quận Cầu Giấy cho biết, thông thường các đơn vị môi giới hay tính tỷ lệ mất giá của các căn hộ chung cư, ít nhất sẽ là 20% trong thời gian sử dụng 3 năm đầu tiên. Con số này sẽ tăng lên tùy vào tỷ lệ khấu hao cũng như từng đơn vị môi giới bán hàng.
Song, những căn hộ chung cư ở các dự án có tranh chấp hay những dự án chưa có ‘sổ đỏ’ thì tỷ lệ mất giá có thể còn cao hơn.
Chị Hà ví dụ, nếu ông A mua căn hộ chung cư 4 tỷ, nhưng sau 3 năm muốn bán lại thì bên môi giới sẽ trừ đi 20%, tức là 800 triệu đồng. Còn chần chừ không bán mà để lâu hơn thì tỷ lệ khấu hao có thể lên đến cả tỷ đồng.
Do đó, theo chị Hà, khi thấy căn hộ chung cư cắt lỗ hàng trăm triệu thì cũng đừng vội vàng mua ngay. Thay vào đó, người mua cần tìm hiểu, đến tận nơi xem kỹ căn hộ, phân tích và so sánh với những căn hộ, dự án xung quanh, tránh bị thiệt khi mua.
Dành lời khuyên cho các nhà đầu tư có ý định mua nhà thời điểm này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia bất động sản nhận xét: Trước làn sóng cắt lỗ ồ ạt căn hộ cao cấp, nhà đầu tư có thể tranh thủ "bắt sóng" thị trường.
Tuy nhiên, nên lưu ý dòng vốn tự có. Trong trường hợp cần tới các đòn bẩy tài chính, chỉ nên vay tối đa 20%. Nếu vượt quá mức này, có thể nhà đầu tư sẽ "vỡ trận" vì phải tiền lãi hàng tháng.
"Phải xác định đầu tư vào căn hộ, đặc biệt là căn hộ cao cấp để cho thuê là đầu tư dài hạn. Do đó, cần đảm bảo có dòng vốn mạnh để duy trì lâu dài. Chờ ngày thị trường hồi phục, phân khúc này sẽ tăng theo", ông Tuấn nói.