Dân Việt

Doanh nhân chung tay cùng đại gia Trương Gia Bình nuôi dưỡng 1.000 trẻ mồ côi bởi Covid-19 kinh doanh thế nào?

Trung Kiên 30/09/2021 11:18 GMT+7
Sau khi khởi xướng ý tưởng thành lập trường nuôi dưỡng 1.000 trẻ mồ côi bởi dịch Covid-19, đại gia Trương Gia Bình đã tìm được đơn vị đồng hành là một tập đoàn lớn trong nước.

Trước việc hàng nghìn trẻ em trở thành trẻ mồ côi bởi tác động tiêu cực của dịch Covid-19, giữa tháng 9 Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khởi xướng ý tưởng thành lập trường nội trú FPT để nuôi dưỡng và đào tạo cho 1.000 em nhỏ.

Các em sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng, đào tạo tại hệ thống trường phổ thông FPT và hỗ trợ học bổng để học cao hơn tại FPT nếu có nguyện vọng.

Trường nội trú FPT được đặt tại Khu đô thị FPT City Đà Nẵng sẽ đón nhận các em nhỏ trong độ tuổi 6-18 không may mất cha mẹ do Covid-19, có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng tham gia chương trình và được sự chấp thuận của người giám hộ hợp pháp.

img

Ý tưởng thành lập trường nuôi dưỡng 1.000 trẻ mồ côi bởi dịch Covid-19 của đại gia Trương Gia Bình đang nhận được sự chung tay của cộng đồng

Hiện công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân sự và các chương trình đào tạo, chăm sóc nuôi dưỡng các em đang được FPT, Quỹ Hy vọng phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức đoàn thể gấp rút triển khai.

Với mong muốn đồng hành cùng chương trình ý nghĩa, nhân văn này mới đây Tập đoàn Thiên Long (TLG) quyết định ký biên bản ghi nhớ đồng hành với FPT để dành tặng 5.000 phần quà dụng cụ học tập và vui chơi, sáng tạo cho các học sinh như tập vở, bút, thước kẻ, sáp màu, chì màu, sản phẩm DIY – Do It Yourself … cho Trường nội trú FPT trong giai đoạn 5 năm (2021 – 2025), mỗi phần quà trị giá 400.000 đồng.

Tập đoàn Thiên Long của Chủ tịch Cô Gia Thọ tiền thân là cơ sở Bút bi Thiên Long thành lập năm 1981. Thương hiệu này hiện giữ vị trí số 1 trên thị trường Việt Nam.

Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, Thiên Long ghi nhận doanh thu hơn 1.442 tỷ đồng, tăng 27% nhờ thay đổi cơ cấu bán hàng. Trong đó, Doanh thu nội địa chiếm 78%, phần còn lại thuộc về xuất khẩu.

Sau khi trừ các chi phí, ông chủ hãng bút bi Thiên Long ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 176 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ. Tính bình quân, mỗi ngày doanh nghiệp lãi 978 triệu đồng.

Năm 2021, TLG dự kiến đạt 3.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 280 tỷ đồng lãi sau thuế. So với kế hoạch này, Công ty đã thực hiện được 63% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của TLG là 2.505 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu kỳ. Trong đó, tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng dưới 1 năm đạt 846 tỷ, chiếm 33,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 612 tỷ, chiếm 24%; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 440 tỷ, chiếm 18%.

Vốn chủ sở hữu là 1.885 tỷ đồng, bao gồm 516 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Nợ vay của Thiên Long là 224 tỷ đồng, hầu hết là nợ đi vay ngắn hạn.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2021 được TLG công bố, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cô Gia Thọ đang nắm giữ trực tiếp gần 4,8 triệu cổ phiếu doanh nghiệp tương đương tỷ lệ 6,1%.

Với giá cổ phiếu TLG kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9 là 41.250 đồng/cp, khối tài sản Chủ tịch Cô Gia Thọ nắm giữ tương đương khoảng 190 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng loạt người thân và doanh nghiệp liên quan đến Chủ tịch Cô Gia Thọ đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp. Trong đó, bà Trần Thái Như vợ ông Thọ nắm giữ hơn 1 triệu cổ phiếu, 6 người em liên quan đến ông Thọ nắm giữ từ vài chục nghìn đến gần 1 triệu cổ phiếu TLG.

Công ty CP Đầu tư Thiên Long An Thịnh do ông Thọ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng đang nắm giữ hơn 37 triệu cổ phiếu TLG tương đương với tỷ lệ 48,01%.

Đến ngày 30/6/2021, Chủ tịch Cô Gia Thọ và những người liên quan nắm giữ hơn 58,17% vốn sở hữu của Tập đoàn Thiên Long, tương đương giá trị tài sản khoảng 1.642 tỷ đồng.