Hình tượng Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong phim truyền hình Trung Quốc.
Lý Thế Dân là con trai thứ hai của Đường Cao Tổ, hoàng đế khai quốc nhà Đường. Năm 626, Lý Thế Dân gây ra sự kiện Huyền Vũ, ám sát anh trai cả Lý Kiến Thành và em trai Lý Nguyên Cát để giành ngôi báu, buộc vua cha phải nhường ngôi cho mình.
Lên ngôi hoàng đế, Đường Thái Tông Lý Thế Dân chủ trương thực hiện chính sách giảm thiểu mâu thuẫn giai cấp và quốc gia để đảm bảo hòa bình trong nước.
So với các hoàng tử khác, Lý Thế Dân nổi bật với tài quản trị, lên nắm quyền tự mình bổ nhiệm quan chức, đặt niềm tin vào những người từng bị ông đánh bại, hoặc không phải là người Hán, đưa họ vào những vị trí chủ chốt và còn cho họ thăng quan tiến chức.
Lý Thế Dân còn khuyến khích quan lại nói lên quan điểm cá nhân dù có thể khác biệt so với quan điểm của hoàng đế. Là người đưa nhà Đường bước vào giai đoạn cực thịnh, Lý Thế Dân được các sử gia Trung Quốc hiện đại đánh giá là hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa.
Qua đời ở tuổi 51, Lý Thế Dân được an táng tại Chiêu Lăng, lăng mộ nằm trên núi Jiuzong. Ông là người mở ra trào lưu xây lăng mộ trên núi cao của các hoàng đế nhà Đường.
Lý Thế Dân là hoàng đế Trung Hoa đầu tiên xây lăng mộ trên núi cao.
Cách chọn địa điểm xây lăng mộ này khác biệt so với các triều đại khác trong lịch sử Trung Hoa, được cho là bắt nguồn từ khi Trưởng Tôn hoàng hậu, hoàng hậu duy nhất của Lý Thế Dân, qua đời năm 636.
Trưởng Tôn hoàng hậu mong muốn được an táng một cách giản dị, tiết kiệm, đặt ngôi mộ trên núi và không xây cao.
Lý Thế Dân được cho là đã từng nói về lăng mộ của mình và hoàng hậu: “Trẫm là thiên tử cai trị vùng đất rộng lớn. Tại sao phải chôn trẫm cùng vàng bạc châu báu. Lăng mộ trên núi Jiuzong không có vàng, không có ngọc bích, không chôn theo ngựa hay nô lệ. Các đồ vật đều được làm bằng đất và gỗ, do đó những kẻ trộm cướp sẽ không bén mảng tới, tránh phiền hà sau này”.
Tuy nhiên, việc Lý Thế Dân cho xây lăng mộ trên núi cho mình và hoàng hậu, không phải để tiết kiệm hay đơn giản, mà là một cách thể hiện quyền lực và tầm vóc của hoàng đế.
Chiêu Lăng được xây dựng từ năm 636 để an táng Trưởng Tôn hoàng hậu và lăng mộ không ngừng được mở rộng, đến khi Lý Thế Dân qua đời năm 649 thì hoàn tất. Trong 13 năm xây dựng, Chiêu Lăng đã tiêu tốn của nhà Đường một lượng lớn của cải và nhân lực.
Lý Thế Dân cuối đời ngày càng mê muội, tin vào đan dược với hi vọng trường sinh bất lão, dẫn đến sớm qua đời ở tuổi 51.
Toàn bộ quần thể lăng mộ trải rộng trên phạm vi 60km, bao gồm 167 ngôi mộ quý tộc và hoàng tộc nhà Đường. Cao nhất trên núi là nơi an nghỉ của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Lăng mộ của thị vệ được đặt ở hai bên, thấp hơn so với lăng mộ hoàng đế. Mỗi ngôi mộ đều có bia đá khắc chữ, trong đó các quan lại bày tỏ sự vinh dự khi được chôn cất trong quần thể lăng mộ với Hoàng đế.
Núi Jiuzong có dạng dốc đứng, cao 1.188 mét so với mực nước biển. Cảnh tượng từ trên núi nhìn sang xung quanh hết sức tráng lệ. Các tài liệu lịch sử cho thấy cung điện của Chiêu Lăng được đào sâu vào trong núi. Hành lang mộ dài 230 mét, được bảo vệ bởi 5 cổng đá. Các buồng mộ hết sức sang trọng, bao bọc ở hai cánh phía đông và phía tây, bên trong có các hộp đá chứa đồ vật hiến tế.
Tất cả những thông tin này từng được Wen Tao, một lãnh chúa Trung Hoa thời Ngũ đại Thập quốc (907-960), nhắc đến. Wen được cho là người đã tiến sao vào trong ngôi mộ hoàng đế nhà Đường được xây dựng kiên cố, bày tỏ sự ngạc nhiên khi cung điện đào sâu trong núi “lộng lẫy không kém thế giới bên ngoài” và “quan tài nằm trong gian chính, được đặt trên bệ đá”.
Lăng mộ các hoàng đế thời nhà Đường chứa những bức tượng chạm khắc tinh xảo, khác biệt so với các triều đại khác.
Wen nói bên trong lăng mộ chứa rất nhiều sách cổ và tài liệu chép tay của thời đại trước. Lăng mộ cũng chứa một lượng lớn vàng bạc, nhưng Wen không nêu chi tiết.
Được xây dựng cách đây 1.300 năm, Chiêu Lăng không còn là công trình kì vĩ, nhưng một số lượng lớn các hiện vật quý giá vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Nổi bật nhất phải kể tới các khối đá khắc hình 6 con chiến mã quý, gọi là "Chiêu lăng lục tuấn". Sáu con ngựa này đã theo Thái Tông vào sinh ra tử, nhiều phen cứu mạng ông trên chiến trường nên khi chết ông cũng muốn chúng theo bảo vệ mình.
Lý Thế Dân còn làm thơ miêu tả lại các con ngựa quý và cho khắc vào đá. Các bức tượng được đặt ở hai phía đông tây tại cửa bắc của Chiêu Lăng. Mỗi khối đá hình chiến mã ước tính dài 2,5 mét và rộng 3 mét.
Hai trong số 6 tượng đá chiến mã này bị đem sang Mỹ, lưu giữ tại bảo tàng của Đại học Pennsylvania. 4 bức tượng còn lại được đặt ở bảo tàng tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Các nhà sử học Trung Quốc ngày nay vẫn chưa được phép khám phá cung điện chính, nơi đặt thi hài Đường Thái Tông Lý Thế Dân, nên Chiêu Lăng ngày nay vẫn còn là một bí ẩn.
____________________
Thời nhà Minh, có một hoàng đế Trung Hoa dời đô về Bắc Kinh, xây Tử Cấm Thành nổi tiếng thế giới. Lăng mộ hoàng đế này như thế nào, có điều gì đặc biệt? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản lúc 0 giờ 30 phút ngày 1.11.