Dân Việt

Hóc tràng lợn, bé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị ngừng tim, ngừng thở

Diệu Thu 03/11/2021 15:55 GMT+7
Đang ăn trưa cùng gia đình, trẻ bỗng dưng không thở được, tím tái, bất tỉnh...

Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Mạch Thọ Thái, Trưởng khoa Cấp cứu A9, cho biết trẻ nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng tim, ngừng thở, nguy kịch đến tính mạng, cả người tím đen vì thiếu oxy, bất tỉnh, người nhũn. Ngay lập tức, các y bác sĩ của khoa đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, lấy dị vật trong khí quản của bệnh nhi là một miếng tràng lợn dài 2,5cm. Miếng tràng lợn lấp kín đường thở của trẻ.

img

(Ảnh minh họa). 

Trẻ được đặt nội khí quản bóp bóng oxy, làm các biện pháp cấp cứu ở mức cao nhất. Sau ít phút, bệnh nhi dần hồi tỉnh, da niêm mạc hồng hào, mạch 112 lần/ phút, huyết áp 100/60 mmHg… Để đảm bảo an toàn, sau đó trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị tiếp. Hiện trẻ đã được xuất viện.

Theo BS Thái, dị vật đường thở vô cùng nguy hiểm, thời gian cấp cứu là vàng vì chỉ sau 5 phút trẻ có thể bị mất não do bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Cũng vì thế, rất nhiều trường hợp không thể cứu được, có ca cứu được nhưng người bệnh lại rơi vào tình trạng mất não.

"Trường hợp này rất may mắn cứu được và không để lại di chứng vì nhà gần bệnh viện nên trẻ được đưa đến viện cấp cứu hết sức kịp thời. Chỉ chậm vài giây là bệnh nhân đã có thể không cứu được", BS Thái nhấn mạnh.

Trước đó, bé trai 10 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội trong quá trình ăn uống. Theo lời kể của người nhà, trước khi vào viện trẻ ăn cơm trưa cùng gia đình có món lòng lợn, tràng lợn. Tuy nhiên, đang ăn trẻ bỗng dưng không thở được, tím tái, bất tỉnh... Hoảng hốt gia đình vội vàng đưa con vào khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện 19-8.

Cũng theo bác sĩ, khoa cũng từng tiếp nhận một số trường hợp cấp cứu vì bị sặc sữa, sặc cháo nhưng cấp cứu đơn giản hơn. Đây là lần đầu các bác sĩ gặp dị vật là miếng tràng lợn.

Theo các bác sĩ, mọi lứa tuổi có thể bị dị vật đường thở, hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Hay gặp nhiều nhất là hạt lạc, rồi đến hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì... mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc…

Các chuyên gia khuyến cáo, bậc phụ huynh chú ý không để trẻ em chơi những đồ vật sắc nhọn hoặc nhỏ, dễ sặc hóc và rất thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt lạc, hạt ngô, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra; Không nên vừa đùa cười vừa ăn.