Sinh ra ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nơi có đặc sản gà mía bản địa nổi tiếng thơm ngon, bố lại là Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà mía Sơn Tây nhưng anh Nguyễn Huy Ba vẫn muốn thử sức mình, theo đuổi đam mê làm báo.
Tốt nghiệp Khoa Báo in của trường Báo chí, rong ruổi cùng đồng nghiệp trên khắp các nẻo đường đất nước để làm hàng trăm bài báo phóng sự điều tra. “Vì đam mê nên mình chấp nhận chạy xe hàng trăm cây số, dưới trời mưa rét cắt da cắt thịt, hết tỉnh này đến tỉnh khác để lấy tin viết bài mà không thấy mệt”, anh Ba nói.
Trước khi về quê nuôi gà, anh Ba đã từng làm phóng viên suốt 4 năm.
Nhắc lại những tháng ngày thanh xuân làm báo, anh vẫn có cảm giác rưng rưng khó tả bởi những kỷ niệm đáng nhớ gắn liền với từng chặng đường tác nghiệp. Thậm chí có những khi, để tiết kiệm tiền đổ xăng, anh và bạn đồng hành cả ngày chỉ dám ăn mấy miếng bánh mì.
Gần 4 năm theo đuổi đam mê nhưng số lương ít ỏi của nghề báo chỉ đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, không tích cóp được bất kỳ đồng nào. Không những thế, khi cùng với các đồng nghiệp thực hiện hàng loạt bài phóng sự điều tra về thực phẩm bẩn đã thôi thúc anh trở về quê hương nối nghiệp gia đình bằng nghề nuôi gà mía.
Sau những tháng ngày theo đuổi đam mê với nghề báo, anh Ba đã quyết định bỏ phố về quê nuôi gà.
“Tôi rất buồn và đau lòng khi chứng kiến vấn nạn của thực phẩm bẩn tràn lan, trong đó rất nhiều người vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả thủ đoạn. Vì vậy, tôi quyết định về quê phát triển thương hiệu gà mía của quê hương với quá trình chăn nuôi sạch”.
Bỏ phố phường đông đúc với công việc báo chí để về quê vào cuối năm 2016, tài sản trong tay anh Ba là chiếc xe máy cũ mèm, 01 chiếc máy ảnh và 01 chiếc máy tính xách tay. Phải mất 3-4 tháng sau anh mới có thể cân bằng cuộc sống, làm quen dần với công việc vận hành lò ấp và quy trình nuôi gà mía.
Từ số lượng gần 2.000 con gà mía của gia đình, anh Ba đã đầu tư máy ấp, trang trại để sản xuất ra hàng triệu con gà giống mỗi năm và hơn 8.000 con gà mía thương phẩm.
Với sự hỗ trợ của gia đình và người thân, anh đã vay mượn, đầu tư hơn 600 triệu đồng để mở thêm 1 trang trại nuôi gà mía rộng 7.000m2 để nuôi 8.000 con gà mía. Đồng thời, anh sắm sửa thêm 9 chiếc máy ấp nở để tự sản xuất con giống và cung cấp số lượng lớn gà giống, phát triển trang trại vệ tinh.
Đầu năm 2020, anh Ba cùng với một người bạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn trị giá 3,5 tỷ đồng trên diện tích đất hơn 1ha để nuôi 120 con lợn mẹ và hơn 200 con lợn thịt.
“Tôi rong ruổi trên đường, mỗi ngày chạy xe hơn 300km để đi khắp các tỉnh, đến các trang trại giới thiệu họ mua con giống của mình. Tài chính không có phải đi vay mượn rất nhiều, áp lực lớn khi hàng tháng phải trả lãi ngân hàng nhưng tôi luôn tự động viên mình cố gắng”, anh Ba bày tỏ.
Thức ăn cho gà chủ yếu là ngô, lúa, đỗ tương và ruồi lính đen... ép thành viên.
Nhận thấy gà mía là đặc sản nổi tiếng ở Sơn Tây nhưng người tiêu dùng cả nước vẫn chưa biết đến nhiều do quá trình sản xuất nhỏ lẻ nên năm 2017, anh Ba phối hợp với các trang trại lân cận thành lập nên Hợp tác xã để liên kết chăn nuôi, sản xuất theo quy trình sạch và khép kín.
Cụ thể, HTX do anh Ba làm giám đốc có 5 trang trại gà, 2 trang trại lợn, 1 khu giết mổ gia cầm và 1 cơ sở sản xuất thức ăn được đầu tư máy ép cám công suất lớn, mỗi ngày có thể sản xuất được hàng chục tấn thức ăn từ ngô, đỗ tương, bột sắn, nhộng ruồi lính đen… cung cấp thức ăn cho các trang trại vệ tinh.
Các thành viên khác hỗ trợ nhau về con giống, quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trở thành đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn của TP. Hà Nội.
Nhiều người yêu quý thường gọi anh là "Thái tử gà mía đất 2 vua".
Ngoài cung cấp khoảng 1 triệu con gà giống mỗi năm cho các trang trại khắp cả nước, anh Ba còn nuôi khoảng 8.000 con gà mía thương phẩm và hơn 500 con gà trống thiến phục vụ Tết Nguyên đán.
Nói về giống gà đặc sản của địa phương, anh cho biết, gà mía vốn là sản vật tiến vua nổi tiếng, hiện nay sản phẩm đã được phát triển theo mô hình chuỗi do Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội hỗ trợ. Tháng 10/2020 vừa qua, con gà của gia đình anh nuôi đã đạt giải Đặc biệt trong Hội thi gà mía và được 1 doanh nghiệp trả giá 27 triệu đồng.
Hiện tại, mỗi năm anh Ba có thu nhập gần 1 tỷ đồng.
“Con gà mía mang đi thi được nhà tôi nuôi khoảng 7 tháng tuổi, nặng gần 3kg. Có chân, dáng, mình, lông ức, lông cánh, mào đạt chuẩn rất đẹp nên đã đạt giải Đặc biệt của hội thi và mang ra đấu giá. Số tiền đấu giá được sẽ trích lại 50% để công đức vào đền thờ Vua Ngô Quyền”, anh Ba cho hay.
Sau gần 5 năm bỏ phố về quê, trải qua nhiều khó khăn, vất vả, anh Ba đã mang về doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng trong việc phát triển đặc sản gà mía tại địa phương. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu về khoảng gần 1 tỷ đồng.