Trong thực tế không phải lúc nào người dùng xe máy cũng được các đại lý dùng ô tô chở xe mới về tận nhà. Không ít trường hợp đã phải tự đi xe mới mua dù chưa có biển số để mang xe về.
Không có quy định nào về biển "Xe xin số" thì không bị xử phạt.
Cũng có một số trường hợp dù xe đang trong thời gian đăng ký chờ cấp biển vẫn vô tư tham gia giao thông. Họ nghĩ rằng chỉ cần gắn biển có chữ “xe xin số” là có thể yên tâm và không bị xử phạt.
Trước đây nếu chiếu Theo Thông tư 15/2014/TT-BCA thì sau khi mua xe mới, chủ xe phải có trách nhiệm đăng ký xe theo quy định. Trong thời gian chờ nhận Giấy đăng ký xe chính thức và biển số xe thì sẽ không được phép điều khiển xe tham gia giao thông, trừ một số trường hợp được đăng ký tạm thời theo Thông tư 15/2014/TT-BCA.
Các trường hợp đó gồm:
- Xe mang biển số nước ngoài được cấp có thẩm quyền cho phép tạm nhập, tái xuất có thời hạn (trừ xe hoạt động ở khu vực biên giới có cửa khẩu): Xe dự hội nghị, hội chợ, thể dục thể thao, triển lãm, du lịch; xe quá cảnh…;
- Xe mới lắp ráp tại Việt Nam chạy thử nghiệm trên đường giao thông công cộng;
- Xe ô tô có phiếu sang tên, di chuyển đi địa phương khác;
- Xe ô tô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam;
- Xe được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào Việt Nam để phục vụ hội nghị, hội chợ, thể dục thể thao, triển lãm;
- Xe ô tô sát hạch, ô tô hoạt động trong phạm vi hạn chế (khi di chuyển ra ngoài khu vực hạn chế).
Xe đăng ký tạm thời sẽ được phép tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời đã được cấp.
Như thế xe máy mới mua không thuộc các trường hợp trên nên nếu theo quy định của Thông tư 15/20214/TT-BCA này thì sẽ không được phép lưu thông trên đường đi.
Tuy nhiên, mới đây nhất là Thông tư 58/2020/TT-BCA thay thế cho Thông tư 15/2014/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã giải quyết cho những khó khăn của người mới mua xe máy mà chưa có biển số và đăng ký nhưng vẫn có nhu cầu đi lại.
Cụ thể, Điều 12 của Thông tư 58 quy định về các trường hợp phải đăng ký tạm thời như:
- Xe chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức có nhu cầu tham gia giao thông;
- Xe đăng ký ở nước ngoài được cơ quan thẩm quyền cho phép vào Việt Nam du lịch, phục vụ hội nghị, hội chợ, triển lãm, thể dục, thể thao;
- Xe phục vụ hội nghị do Đảng, Nhà nước, Chính phủ tổ chức;
- Xe ô tô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam và xe có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng.
Như vậy, người có xe máy mới mua trong thời gian chờ đăng ký xe và biển số chính thức mà muốn lưu thông xe trên đường phải đến cơ quan đăng ký xe nơi gần nhất để làm thủ tục đăng ký xe tạm thời.
Muốn có nhu cầu đi lại, trong lúc chờ Giấy đăng ký chính thức và biển số thì người mua xe máy mới cần xin cấp Giấy đăng ký xe tạm thời.
Theo Điều 14 của Thông tư 58, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời thì người dân có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đã được cấp.
Trường hợp không làm giấy đăng ký tạm thời trong thời gian chờ đăng ký chính thức và biển số mà vẫn lưu thông xe trên đường thì lái xe máy sẽ bị xử phạt.
Trong đó, lỗi điều khiển xe không gắn biển số xe đối với loại xe có quy định phải gắn biển số: Bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (Điểm c Khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Còn lỗi điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định: Bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (Điểm a Khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).