Cây bông cỏ, hay có tên gọi khác là mác púp, là loại cây dạng leo, cứng cáp, thường bám vào các loại cây to, như: gạo, sau sau, sung... và sống cộng sinh, trụ trên các mỏm đá vôi để phát triển. Loại cây này có bộ rễ bám xuống đất, có gốc cây lâu năm to bằng bắp tay, cuộn dài chằng chịt ôm lấy thân cây to leo lên cao tới 10 -15 m.
Thân cây mọc đến đâu thì đẻ nhánh đến đó, các nhánh cây to khoảng bằng ngón tay trỏ, thuôn mập đến ngọn. Lá cây hình e-lip mọc dày so le, trên lá màu xanh sáng, mặt dưới màu xám, cả hai mặt hằn rõ nhiều gân lá chân chim.
Vào cuối mùa xuân, loại cây này bắt đầu nở hoa và kết trái từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Quả tròn, to như quả chanh, phần ruột nhìn lại như quả sung, vỏ khá dày, mịn màng. Trọng lượng chỉ từ 12-15 quả/kg.
Quả mác púp khi được thu hái về để làm thạch.
“Vì mác púp không thể trồng được, người dân Cao Bằng thường sẽ vào rừng hái quả vào khoảng tháng 7-8 âm lịch. Nhiều người đã đem về trồng thử ở vườn nhà nhưng chúng chỉ sống được một thời gian ngắn rồi chết”, chị Hải – một người bán hàng online trú tại Cao Bằng cho biết.
Mấy năm nay, chị thường thu mua của bà con đi hái quả mác púp để sơ chế rồi bán cho khách. Thông thường, khi mua về, chị đem đi rửa sạch, phơi cho ráo nước và bổ ra để tách lấy hạt.
“Bổ quả ra, không ít người lầm tưởng đây là quả sung vì hạt tép nhìn xa rất giống. Hạt mác púp có màu vàng nhạt, thoảng thoảng thơm sau khi đem phơi khô. Tôi bảo quản chúng bằng cách bỏ vào túi nilon để cất đi, bán dần”, chị cho hay.
Nếu bổ quả này ra, nhiều người lầm tưởng đây là quả sung.
Để có được một kg hạt mác púp bán ra thị trường, chị không tính được mình phải làm bao nhiêu quả này. Nhưng chị chia sẻ, hạt này phơi khô rất nhẹ, 1kg rất nhiều. Chỉ cần 100gram hạt mác púp, người làm có thể làm đến 2-3 lít thạch, một gia đình 4-5 người lớn chắc phải ăn được từ 3-4 lần mới hết.
“Thời tiết vào hè nắng nóng, loại hạt này được nhiều chị em tìm mua về làm thạch, không ít người thắc mắc vì sao giá nó đắt như vậy nhưng không ai tính được tiền công, tiền thu mua quả và chưa kể chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng sẽ mua được 100 gram hạt và làm được thạch tận 3-4 lần cho gia đình thưởng thức rồi”, chị nói.
Chị Ngọc Liên – một người bán khác, cũng cho rằng loại hạt này tưởng bán đắt mà hóa lại rẻ. “Vì chỉ bỏ ra vài chục nghìn, người mua có thể làm rất nhiều thạch cho gia đình, tính ra chi phí rất rẻ”, chị nói.
Hiện tại, chị bán giá hạt mác púp theo cân khoảng 400.000 đồng/kg, còn những ai mua ít hơn sẽ tính giá cao hơn. Mỗi năm, chị thường chỉ có từ 1-2kg hạt mác púp để bán, khách mua không đúng mùa sẽ không có. “Vì hạt này không có chất bảo quản, mọi người cần lưu ý nhiều đến cách bảo quản, nên sử dụng ngay, tránh để nơi ẩm thấp sẽ dễ bị mốc, hỏng”, chi nói tiếp.
Món thạch mác púp được rất nhiều người ưa chuộng những ngày nắng nóng.
Cách làm thạch mác púp không quá phức tạp, gười làm chỉ cần có nước sôi để nguội, chậu, 1 túi vải sạch và ít hạt mác púp là có thể làm được. Nước sẽ đổ vào chậu, hạt sẽ đổ vào túi vải, cứ 100 gram hạt khô sẽ tương ứng với khoảng 1,2-1,3kg nước.
Tiếp theo, hạt này sẽ được vò nhẹ nhàng để các chất thạch màu trắng đục từ hạt tiết ra, đến khi xuất hiện màu trắng đục phủ gần kín bề mặt nước sẽ ngừng vò. Sau đó, chậu nước này sẽ để 1-2 tiếng, thạch sẽ đông chắc hoàn toàn và có thể bỏ trong tủ lạnh để sử dụng dần. Có thể ăn với nước đường làm từ mật mía hoặc đường hoa mai, tùy thuộc vào khẩu vị của từng người.
“Tuy nhiên, thạch đạt chất lượng tốt nhìn phải trong như pha lê, dẻo, có độ dính cao và phần nước thừa trong chậu còn rất ít”, một người bán chia sẻ.
Những năm trước, loại hạt này cũng từng “làm mưa làm gió” trên thị trường nước ta. Không ít người ở thành thị đã phải lùng sục tìm mua, thậm chí phải nhờ người mua hộ ở trên Cao Bằng về để làm thạch. Giá bán thời điểm năm 2016 vào khoảng 600-700 nghìn đồng/kg.
Nhưng nay, loại hạt này bán phổ biến trên chợ mạng, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua hơn, giá cả rẻ hơn rất nhiều. Có những người chỉ bán khoảng hơn 300.000 đồng/kg, cao nhất chỉ khoảng 400.000 đồng/kg.