Cây hương bài là một loại cây thảo mộc, sống tự nhiên trên các vùng đồi và triền cát. Nó còn có tên gọi khác là: Cát Cánh Lan, Lưỡi Đòng, Huệ Rừng - Hương Lâu, Rẻ Quạt, Xương Quạt, Sơn Gian Lan, Bạch Mao Hương. Chúng phân bổ hầu khắp từ Bắc đến Nam Việt Nam.
Đây là một loại cỏ sống dai, có thân rễ nằm ngang, thân cao chừng 40-50cm, có thể tới 1m. Lá mọc so le, ôm lấy thân theo hai bên thân hình nan quạt giấy trông như chiếc quạt hay quân bài, do đó có tên rẻ quạt hay hương bài.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, hương bài là một trong những loài cây có độc nguy hiểm, nếu dùng uống có thể gây tử vong. Dân gian không dùng loài cây này làm thuốc uống mà chỉ dùng rễ cây để làm hương (nhang) để thắp trong những ngày lễ Tết. bởi chúng có mùi thơm đặc trưng.
Cây hương bài đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Vì vậy, cứ mỗi dịp gần Tết, thương lái lại đi lùng mua từng cân, dân trồng có bao nhiêu họ đều thu mua hết với giá cao.
Trồng cây hương bài được 5 năm nay, bà Tạ Thị Mười (trú tại Cương Chính, Tiên Lữ, Hưng Yên) có thu nhập ổn định mỗi năm, có năm thu được 6-7 triệu đồng.
Theo bà, loại cây này đem lại thu nhập cao hơn trồng lúa rất nhiều mà không mất nhiều công chăm sóc. “Mỗi năm thu hoạch, tôi sẽ trồng lại một lần. Nhưng trồng cây này dễ lắm, giống như trồng cây sả vậy, tôi chỉ cần giâm hom là được”, bà chia sẻ.
Khi mới trồng, bà Mười chỉ cần tưới nước và bón một ít phân ủ hữu cơ. Còn khi cây đã bén rễ, bà cho biết sẽ không cần chăm gì nữa, mặc kệ cho chúng từ lên. Nếu nắng hạn quá, bà sẽ tưới cho chúng ít nước.
Người trồng thu hoạch rễ và đem phơi khô, sau đó thương lái sẽ tới tận nơi thu mua.
Năm nào cũng vậy, bà sẽ nhổ cây này để lấy rễ vào khoảng tháng 10 – 12 âm lịch. Bởi khoảng thời gian này, thương lái đi tìm mua rất nhiều, là nguyên liệu làm nhang (hương) phục vụ cho Tết Nguyên đán. Và cũng thời điểm này, giá bán loại rễ cây này rất cao.
Năm ngoái, bà thu được gần 20kg rễ cây hương bài đã phơi khô, giá bán 220.000 đồng/kg. Bà thu về được hơn 4 triệu đồng. Năm nay, giá bán rẻ hơn một chút, khoảng 120.000 – 150.000 đồng/kg và bà mới bán 7kg, vẫn còn 1 nửa vườn chưa thu hoạch, đợi lên giá.
“Việc thu hoạch cũng đơn giản, không mất nhiều công sức, chỉ cần nhổ cây lên, chặt rễ rồi đem rửa sạch và phơi tầm 3-5 nắng, tùy thuộc vào nắng to hay nhỏ. Sau đó, tôi đóng bao và thương lái đến tận nơi thu mua, có bao nhiêu họ cũng mua hết”, bà chia sẻ.
Có năm giá rễ cây hương bài bán giá lên đến hơn 200.000 đồng/kg.
Cũng trồng cây hương bài 2 năm nay, nhà anh Công Anh (trú tại Cương Chính, Tiên Lữ, Hưng Yên) thu về hàng triệu đồng mỗi năm. “Nhà tôi chỉ trồng ở khoảng đất trống tại vườn, xen kẽ các loại cây khác. Ban đầu, tôi chỉ trồng để nhà dùng là chủ yếu nhưng thấy giá bán cao, tôi mở rộng trồng thêm để bán. Mỗi năm, tôi cũng chỉ có khoảng gần chục kg rễ khô để bán thôi”, anh chia sẻ.
Anh cho biết thương lái sẽ trả giá cao hơn nếu anh đem rễ cây hương bài này đi nghiền. Giá sẽ chênh lệch khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg so với rễ cây còn nguyên. “Nghiền ra mà bán lẻ, tôi có thể bán đến 250.000 – 300.000 đồng/kg. Nhưng tôi trồng cây này chỉ là để thêm thu nhập, không có nhiều thời gian để đi bán lẻ. Tôi năm nào cũng gọi cho thương lái đến tận nhà thu mua để đỡ mất nhiều công”, anh nói.
Không chỉ giúp nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, cây hương bài còn trở thành “cây xóa đói, giảm nghèo” cho nhiều hộ dân tại thôn Tiên Lý, xã Yên Định, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; một số gia đình ở xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; nhiều hộ dân tại tỉnh Nghệ An…