Dân Việt

Bất chấp Tổng thống Biden - Putin điện đàm, Nga vẫn sẽ tấn công Ukraine?

Vương Nam – SCMP 06/12/2021 19:40 GMT+7
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Nga Putin dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7.12. Tâm điểm cuộc điện đàm lần này với hai nhà lãnh đạo là tình hình căng thẳng biên giới Ukraine – Nga leo thang.

img

Ảnh vệ tinh được cho là cảnh quân đội Nga tập trung gần biên giới với Ukraine (ảnh: SCMP)

Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Putin diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga được cho là “chạm đáy” kể từ sau Chiến tranh lạnh với hàng loạt những bất đồng và nghi ngờ, đặc biệt là vấn đề Ukraine.

Theo các chuyên gia, điều ông Biden quan tâm nhất lúc này là liệu Nga có thực sự muốn tấn công Ukraine, hay chỉ đang gây sức ép để đảm bảo rằng quốc gia thuộc Liên Xô cũ không gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trước cuộc điện đàm, Washington Post và nhiều tờ báo Mỹ khác đồng loạt đưa tin Nga đang chuẩn bị kế hoạch tấn công Ukraine vào đầu năm 2022 với 175.000 quân áp sát biên giới. Từ thông tin này, một số nhà phân tích nghi ngờ rằng Nga đã “giương cung” và sẽ không hạ xuống, bất chấp kết quả điện đàm ra sao.

“Putin đã tăng quân ở biên giới với Ukraine, ông ấy không còn giấu giếm ý đồ tấn công nữa. Ông ấy đã sẵn sàng cho bước tiếp theo”, Tatiana Stanovaya – nhà sáng lập Trung tâm tư vấn chính trị R. Politik (Moscow) – nhận định.

Hôm 3.12, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ “gây khó dễ cực lớn” nếu Nga quyết định tấn công Ukraine, nhưng không nói rõ biện pháp nào sẽ được thực hiện.

“Chúng tôi không chấp nhận ranh giới đỏ của bất kỳ ai”, ông Biden phát biểu, dường như ám chỉ việc Tổng thống Nga từng cảnh báo phương Tây không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” khi cung cấp vũ khí cho Ukraine.

“Ông Putin quan tâm đến quyết định của NATO hơn cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ. NATO cam kết không tiếp nhận Ukraine hoặc Nga sẽ tấn công”, bà Stanovaya nhận định.

img

Tổng thống Biden – Putin sẽ có cuộc điện đàm quan trọng vào ngày 7.12 (ảnh: SCMP)

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, căng thẳng leo thang giữa Nga – Ukraine chủ yếu liên quan đến việc Moscow lo lắng về mối quan hệ “ấm lên” giữa Kiev với NATO.

Hôm 2.12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra cam kết đảm bảo “NATO sẽ không tiến gần hơn tới biên giới nước Nga”.

“Nếu Nga không nhận được cam kết từ NATO và mọi nỗ lực ngoại giao đều thất bại, ông Putin sẽ sử dụng đến biện pháp quân sự”, Heather Conley – cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu – nhận xét.

“Tôi nghi ngờ việc ông Biden và Putin sẽ thỏa thuận được bất cứ điều gì vào ngày 7.12. Tôi không mong đợi sự thù địch, nhưng đây là lúc NATO cần lên tiếng để Nga có thể yên tâm”, Fyodor Lukyanov – chuyên gia phân tích chính trị thân cận với Điện Kremlin – nhận định.