Tạo hình Chu Nguyên Chương trên phim truyền hình
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là một trong số ít hoàng đế Trung Quốc xuất thân tương đối thiệt thòi và hoàn toàn dựa vào thực lực bản thân để thống nhất đất nước, lập ra triều đại mới.
Những ai từng tìm hiểu về lịch sử triều Minh ở Trung Quốc hẳn đều biết Chu Nguyên Chương đã trải qua những năm tháng niên thiếu vô cùng khốn khó.
Năm 1328, Chu Nguyên Chương sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Trung Quốc. Nguyên quán của Chu Nguyên Chương ở Giang Tô, sau gia đình ông dời về Từ Châu rồi lại về Hạ Châu, tức Phụng Dương.
Ông được cha mẹ đặt tên cho là Chu Trùng Bát. Sau khi gia nhập Hồng cân quân (nghĩa quân Khăn đỏ), ông mới đổi tên là Chu Nguyên Chương.
Cha mẹ ông cả đời làm tá điền. Khi đó rất nhiều gia đình tá điền phải dựa vào ruộng đất của địa chủ để sinh nhai, nhưng một khi đất hoang đã được khai khẩn thành ruộng, thì địa chủ sẽ tìm cách tăng địa tô hoặc đuổi tá điền đi. Chu Trùng Bát cũng trải qua một thời gian trong cuộc sống như vậy cùng với gia đình.
Gia đình đông anh chị em, nên Chu Trùng Bát tham gia lao động ngay khi còn nhỏ, chăn nuôi gia súc cho chủ.
Chu Trùng Bát mất cha mẹ, không còn chỗ dựa (ảnh minh họa)
Năm 1343, xảy ra hạn hán, rồi bùng phát dịch châu chấu, gia đình Chu Trùng Bát vốn nghèo khó, đã thành bần cùng. Chẳng bao lâu, cha mẹ và anh cả, anh thứ ba của Chu Trùng Bát qua đời. Hai người chị đã xuất giá nên chỉ còn Chu Trùng Bát và anh trai thứ hai là Chu Trùng Lục bơ vơ. Đây là biến cố đầu tiên làm cho Chu Trùng Bát cảm nhận sâu sắc sự vô thường của cuộc sống.
Khi đó gia đình ông nghèo khó đến mức không còn gì có thể bán để mua quan tài cho cha mẹ. Những người hàng xóm đã hỗ trợ cho anh em ông bộ quần áo cũ và chiếu cũ để chôn cất cha mẹ.
Chu Trùng Bát sau khi mất cha mẹ, không còn chỗ dựa. Họ hàng thân thích không ai có thể cưu mang ông. Chu Trùng Bát chỉ còn cách xin vào chùa Hoàng Giác, trở thành hòa thượng. Kể từ đó, Chu Trùng Bát và người anh Chu Trùng Lục không còn tin tức gì của nhau nữa.
Các tăng lữ thời Nguyên được lấy vợ sinh con nên Chu Trùng Bát ở trong chùa phải phục vụ nhiều người, làm rất nhiều việc vặt, luôn tay luôn chân từ sáng đến tối mới được ăn.
Cuộc sống ở chùa dựa vào nguồn trợ cấp của triều đình và hiến tặng của các tín đồ. Ngoài ra, chùa cũng có ít ruộng cho tá điền thuê để hưởng địa tô. Nhưng với tình hình rối ren của đất nước lúc bấy giờ, cùng với thiên tai, nhà chùa cũng chật vật trong duy trì cuộc sống như tình hình chung của dân chúng.
Chu Trùng Bát rời chùa Hoàng Giác, bắt đầu cuộc sống lang bạt (ảnh minh họa)
Năm 1345, trong vùng xảy ra nạn đói. Một số tăng nhân bắt đầu ra ngoài hành khất mưu sinh. Chu Trùng Bát cũng rời chùa Hoàng Giác, bắt đầu cuộc sống lang bạt, đi xin ăn.
Chu Trùng Bát được tận mắt chứng kiến tình cảnh thống khổ, sự bất mãn và oán hận của dân chúng. Có lẽ từ đây ông bắt đầu nghĩ đến làm cách nào để sinh tồn trong thời thế loạn lạc.
Cuối năm 1348, Chu Trùng Bát quay về chùa Hoàng Giác, nhưng ông quyết định không tiếp tục làm hòa thượng nữa mà bắt đầu nghĩ về một tương lai khác cho mình.
Năm 1352, Chu Trùng Bát gia nhập quân khăn đỏ, lực lượng khởi nghĩa nông dân cuối thời Nguyên. Khởi nghĩa ban đầu do các tông giáo dân gian như Minh giáo, Di Lặc giáo, Bạch Liên giáo kết hợp phát động. Vì họ dùng cờ đỏ, đội khăn đỏ nên gọi là quân khăn đỏ. Họ hay thắp hương tập hợp lực lượng nên còn được gọi là “Hương quân”.
Chu Nguyên Chương nhậm chức Tả phó Nguyên soái, rồi sau đó trở thành người đứng đầu quân doanh.
Năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế, lập ra nhà Minh, lật đổ sự thống trị của nhà Nguyên, từng bước thống nhất đất nước.
Những năm đầu khi mới lên ngôi, Chu Nguyên Chương luận công ban thưởng chức tước cho các đại thần, nhất là những khai quốc công thần đã vào sinh ra tử, đánh Đông dẹp Bắc cùng ông.
Hàng chục khai quốc công thần bị Minh Thái Tổ thanh trừng thẳng tay (ảnh minh họa)
Vào những năm đó, không ai trong số các khai quốc công thần lường trước được bi kịch chết chóc đang chờ đón phía trước. Chẳng bao lâu sau khi triều Minh thành lập, hàng chục khai quốc công thần bị Minh Thái Tổ thanh trừng thẳng tay với tội danh mưu phản.
Đức Khánh Hầu Liêu Vĩnh Chung bị xử tử vì tội mặc áo thêu họa tiết trang trí dành cho hoàng đế nên bị khép tội có ý đồ chiếm ngôi. Vụ xử tử diễn ra vào năm 1375.
Năm 1384, Lâm Xuyên Hầu Hồ Mĩ bị xử tử. Tiếp đến, Chu Văn Chinh là cháu của Chu Nguyên Chương cũng bị xử tử vì tội cưỡng bức phụ nữ và dùng họa tiết long phụng trang trí trong phòng ngủ.
Sau đó là những đại án xử tử Tể tướng Hồ Duy Dung năm 1380 và Lương Quốc Công Lam Ngọc năm 1393.
Ngoài những người trên, không ít công thần một lòng một dạ với hoàng đế cũng không thoát khỏi kết cục chết chóc.
Lý Văn Trung bị Chu Nguyên Chương cho đầu độc chết do can gián hoàng đế lệ thuộc hoạn quan và quá hà khắc.
Tể tướng Từ Đạt là khai quốc công thần nổi tiếng trung hậu, lễ nghĩa nhưng vợ ông không được lòng hoàng đế nên bà bị xử tội chết. Từ Đạt dù vậy vẫn một mực trung thành. Về sau, Từ Đạt bị bệnh phải kiêng thịt ngỗng nhưng vẫn “được” hoàng đế ban thưởng cho thịt ngỗng. Từ Đạt hiểu ý hoàng đế, bèn tự sát. Cũng có giai thoại kể rằng, vì đành phải ăn thịt ngỗng hoàng đế ban cho, nên bệnh của Từ Đạt nặng thêm rồi chết.
Hàng chục công thần phải ra đi tức tưởi, chỉ một vài người may mắn thoát khỏi cuộc thanh trừng.
Nhiều phi tần cũng bị Chu Nguyên Chương trừng phạt dã man (ảnh minh họa)
Nhiều phi tần cũng bị Chu Nguyên Chương trừng phạt bằng cách tra tấn dã man nếu ông nghi ngờ không chung thủy, kể cả không có chứng cứ. Họ phải mặc cái váy bằng sắt rồi nung cháy đỏ trên lửa cho đau đớn đến chết.
Nhìn vào “Minh đại cáo”, bộ hình pháp do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương tự chế định vào đầu triều Minh cũng thấy Chu Nguyên Chương quá hà khắc.
Minh Thái Tổ từng giải thích rằng: những tệ nạn mà không sửa đổi thì không thể cai trị tốt. Ông cũng cho rằng nguyên nhân thất bại của triều Nguyên là triều đình không có uy quyền, dẫn đến hỗn loạn, vì thế ông chủ trương trị quốc một cách cứng rắn và sử dụng hình phạt nặng nề, thậm chí dùng nhiều biện pháp tra tấn.
Sử sách ghi lại đầy rẫy vụ án đẫm máu, tra tấn dã man như cắt gân, chặt ngón… để răn đe, đến mức không ít học giả phải than rằng: chỉ có thể thấy trong truyện kinh dị.