Tàu ngầm hạt nhân USS Seawolf trong chuyến ra khơi thử nghiệm năm 1997.
Hải quân Mỹ đã lên tiếng xác nhận tàu ngầm gặp sự cố, nhấn mạnh tàu vẫn “an toàn và ổn định”, trong khi lò phản ứng hạt nhân vẫn hoạt động bình thường, theo The Drive.
Quan chức Mỹ giấu tên nói vật thể lạ mà tàu USS Connecticut đâm phải “không phải tàu ngầm” nước ngoài, cũng “không phải khối đất liền đột nhiên xuất hiện trước mũi tàu”.
Tàu đang trên đường trở về căn cứ trên đảo Guam để hải quân Mỹ đánh giá thiệt hại.
USS Connecticut là một trong số 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf được Mỹ chế tạo. Tàu được thiết kế vào giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh, với mục đích săn tìm tàu ngầm hạt nhân Liên Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và Mỹ phải cắt giảm ngân sách, những dự án quân sự đắt đỏ như tàu ngầm lớp Seawolf dần bị loại bỏ.
Hải quân Mỹ từ bỏ kế hoạch đóng 29 tàu ngầm lớp Seawolf nên chỉ có 3 chiếc được chế tạo.
Các tàu ngầm lớp Seawolf được coi là tàu ngầm đắt giá bậc nhất thế giới, với chi phí lên tới 3,1 tỉ USD năm 1983 (tương đương 8,5 tỉ USD ngày nay).
Tàu ngầm lớp Seawolf có lượng giãn nước 9.000 tấn và chiều dài 108 mét. Tàu được trang bị kho vũ khí gồm tổng cộng 50 ngư lôi, tên lửa chống hạm hoặc tên lửa hành trình Tomahawk, khai hỏa qua ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn 533mm.
Thân tàu bọc vỏ thép HY-100, giúp lặn sâu tới 490 mét. Phần tháp chỉ huy của tàu cũng được gia cố, phục vụ hoạt động ở vùng Bắc Cực lạnh giá, nơi các tàu ngầm Nga thường trú ẩn.
Theo Business Insider, điểm mạnh của tàu ngầm lớp Seawolf là khả năng hoạt động cực kỳ êm ái, tương đương với độ ồn trung bình 90 decibel ở đại dương.
Tàu USS Connecticut neo tại căn cứ hải quân Mỹ ở Nhật Bản.
Khi di chuyển với vận tốc 20 hải lý/giờ, tàu vẫn đảm bảo khả năng vận hành yên tĩnh, so với các tàu ngầm khác chỉ đạt được điều này ở vận tốc 5-12 hải lý/giờ.
Ngày nay, USS Connecticut cùng USS Seawolf và USS Jimmy Carter chủ yếu tham gia hoạt động bí mật, thu thập thông tin tình báo và các nhiệm vụ đặc biệt khác, nhường vai trò chiến đấu chủ lực cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.
Riêng tàu USS Jimmy Carter được bổ sung module đa nhiệm (MMP), giúp phóng và thu hồi các phương tiện lặn không người lái, mở rộng năng lực hoạt động gián điệp dưới nước.
Tất cả các tàu ngầm lớp Seawolf ngày nay đều hoạt động bí mật, rất hiếm khi xuất hiện công khai. Tàu USS Jimmy Carter được cho là từng phóng thiết bị không người lái, phát hiện những nơi Triều Tiên bố trí các khẩu đội pháo binh ven bờ biển, trong giai đoạn căng thẳng Mỹ - Triều Tiên lên tới đỉnh điểm năm 2017.
Tờ The Drive dự đoán, chi phí sửa chữa tàu USS Connecticut sẽ rất tốn kém. Hải quân Mỹ không có sẵn phụ tùng thay thế cho lớp tàu Seawolf, khiến con tàu có thể sẽ phải ở lại cảng sửa chữa trong thời gian dài.
Tuy nhiên, dù tốn kém đến mấy, hải quân Mỹ cũng sẽ sửa bằng được tàu USS Connecticut, để duy trì năng lực hoạt động đặc biệt. Bởi Mỹ mới ở giai đoạn đầu thiết kế lớp tàu ngầm hạt nhân mới có năng lực tương đương như lớp Seawolf.