Đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ và các Bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục. Trong thập kỷ vừa qua, điện thương phẩm đã tăng trưởng bình quân 9,7%/năm, năm 2020 đạt 215 tỷ kWh, mức sử dụng điện bình đạt gần 2.200kWh/người/năm, tăng 2,23 lần so với năm 2010. EVN đã xuất sắc thực hiện sứ mệnh “điện đi trước một bước”, hạ tầng cung cấp điện đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ về quy mô và mức độ hiện đại cả 3 khâu phát điện, truyền tải và phân phối kinh doanh điện.
Nhà máy thuỷ điện Lai Châu – một trong công trình biểu tượng về sự nghiệp Công nghiệp hoá – hiện đại hoá của đất nước
Hệ thống điện quốc gia đã vươn tỏa tới mọi miền đất nước. Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, “xương sống” của hệ thống điện Việt Nam đã được bổ sung thêm mạch 3, lưới điện tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam được kết nối mạch vòng đảm bảo yêu cầu cung cấp điện an toàn và tin cậy.
Hoàn thành đưa điện về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo
Quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, các Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế xã hội đi đôi với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh; EVN luôn chú trọng triển khai các dự án công trình để vừa đưa điện tới cho người dân ở mọi miền đất nước, vừa gắn liền với việc đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Về cấp điện hải đảo, EVN đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo trên cả nước, đặc biệt đã cấp điện và quản lý vận hành cho huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đối với các đảo xa, EVN thực hiện cấp điện bằng hệ thống máy phát diesel, điện mặt trời, điện gió... Hàng năm, EVN đã bù lỗ hàng trăm tỷ đồng chi phí phát điện để bán điện trên các đảo với giá bán thống nhất trên toàn quốc.
EVN đưa điện đến huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc
Dịch vụ khách hàng ngày càng thân thiện và hiện đại
Trong những năm gần đây, EVN đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, các dịch vụ điện lực đã đạt cấp độ 4 về dịch vụ công trực tuyến và đã kết nối cổng dịch vụ công quốc gia, tăng tính công khai minh bạch và tạo mọi thuận lợi cho khách hàng. Cán bộ công nhân viên EVN càng ngày càng làm việc chuyên nghiệp, tận tụy, thân thiện và tin cậy. Chỉ số sự hài lòng của khách hàng luôn được các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá cao.
Tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hóa đất nước
Trong giai đoạn tới, EVN đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác; có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; sản xuất, kinh doanh điện năng, tư vấn điện là ngành, nghề kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh với KHCN, nghiên cứu triển khai, đào tạo; làm nòng cốt để ngành Điện lực Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; tối đa hoá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều độ hệ thống điện
Những yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ tới đã đặt ra cho ngành Điện nói chung, EVN nói riêng nhiệm vụ năm 2021 và những năm tới là hết sức nặng nề, nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với ý thức, niềm tự hào về lịch sử và thành tựu của ngành Điện lực cách mạng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm phấn đấu, phát huy truyền thống 66 năm, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của đất nước.