Dân Việt

Nóng tuần qua: Hải sản “nhà giàu” rớt giá thảm hại mà vẫn ế “chỏng chơ”

Anh Thư (tổng hợp) 08/08/2021 15:58 GMT+7
Những loại hải sản đắt tiền, vốn chỉ dành cho nhà giàu này rớt giá thảm hại nhưng vẫn ế ẩm ít người mua.

Các loại hải sản đua nhau giảm giá “sốc”

Từ hải sản bình dân đến các loại hải sản nhập khẩu, hạng sang đang được bán với giá vô cùng hấp dẫn, giảm từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/kg thế nhưng vẫn vắng khách mua.

Theo các tiểu thương, các loại hải sản đều đang giảm giá từ 20.000-50.000 đồng/kg. Trong đó, giảm mạnh nhất là cua biển, loại 4-5-6 con/kg thì chỉ còn từ 120.000 đồng/kg (giá nhập tại trại nuôi), về đến Hà Nội giá khoảng 250.000 – 390.000 đồng/kg, tùy size, loại cua.

Không chỉ các mặt hàng hải sản bình dân, các loại hải sản hạng sang giảm giá mạnh từ 10-30%. Cụ thể, tôm hùm Alaska đang bơi size 500gr/con được bán với giá 349.000 đồng/con, bào ngư 30.000 đồng/con…

Tuy nhiên, những người bán đều cho biết lượng mua giảm rất nhiều so với trước đây, sức mua chỉ còn khoảng 1/3, thậm chí có người chỉ bán cho người quen biết, hoặc quanh khu vực mình đang sinh sống.

img

Các loại hải sản "nhà giàu" giảm giá sốc mà vẫn ế ẩm, ít người mua.

Gà giá rẻ hơn rau, nông dân khóc ròng

Nguồn cung thịt heo gà và thủy sản tại các tỉnh phía Nam dồi dào nhưng đáng chú ý đầu ra tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá giảm khiến nông dân thua lỗ.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết còn 1 triệu con gà, giá rớt thê thảm chỉ còn 7.000 đồng/kg gà trắng, giá một con gà thua kg rau. Có nhiều gà con đã thiêu bỏ do vận chuyển, dư thừa, ế ẩm….

Ông Xuân lo lắng về việc tái đàn của người dân khi giá gà không tăng. Sở đề nghị có văn bản giữa tỉnh với tỉnh và vùng an toàn dịch đi ra, đi vào vùng dịch. Các cơ sở giết mổ cần được tiêm vaccine, cơ sở giết mổ còn hoạt động cần quan tâm thường xuyên, hỗ trợ xét nghiệm và 5K.

Cá tra cũng là mặt hàng đang lo đầu ra tại các tỉnh ĐBSCL. Đối với ngành thủy sản, ĐBSCL là vùng sản xuất có sản lượng thủy sản tập trung chủ yếu, chiếm khoảng 70% của cá nước gồm cá tra là 1,55 triệu tấn, tôm 780.000 chiếm 85% tấn, các sản phẩm khác là 1,74 triệu tấn chiếm 47% toàn quốc.

Chính phủ đồng ý giảm 2 tháng tiền điện

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc giảm giá điện cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm 30/7/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Trong đó, giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng; Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng.

Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là hai (02) tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 năm 2021.

Ngoài ra, do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp số lượng người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 tăng cao nên các cơ sở cách ly tập trung trên cả nước hiện nay đều tiếp nhận tất cả các đối tượng là người Việt Nam có áp dụng thu chi phí và không thu chi phí.

img

Khách hàng sẽ được giảm từ 10-100% tiền điện trong vòng 2 tháng.

Xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam lập kỷ lục

Trước tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) lượng xe ô tô nhập khẩu về nước tăng mạnh, đây cũng là tháng lượng xe ô tô nhập khẩu về nước cao nhất từ đầu năm đến nay.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, lượng xe nguyên chiếc nhập về đạt hơn 17.000 chiếc, tăng hơn 1.700 chiếc so với tháng trước. Tháng 7 cũng trở thành tháng có lượng xe nhập về cao nhất năm nay.

Ngoài lượng xe nhập tăng ồ ạt, trong những tháng vừa qua, xe lắp ráp trong nước cũng có mức tăng nhanh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 6, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra tăng hơn 29%, trong khi đó xe nhập tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Lâm Đồng: Cà chua rớt giá cho heo ăn, hoa thua lỗ nặng phải nhổ bỏ

Là địa phương có diện tích cà chua lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, đại diện phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Đơn Dương thông tin, hiện toàn huyện có 668 ha cà chua người dân đang canh tác. Trong đó, có khoảng 267 ha đang trong thời kỳ thu hoạch.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển khó khăn nên giá một số mặt hàng nông sản biến động mạnh, chủ yếu giảm trong thời gian qua. Giá cà chua thương lái thu mua theo vườn chỉ khoảng hơn 2.000 đồng/kg.

Theo một số người dân trồng cà chua, với giá bán tại vườn hiện nay, nếu trừ các chi phí như phân, cây giống, công chăm sóc… người dân lời rất ít, thậm chí chỉ huề vốn. Nhiều vườn cà chua sau khi thu hoạch loại 1, những trái loại nhỏ thương lái không mua, chín rục ngoài đồng hoặc đem cho heo ăn.

Về sản phẩm hoa, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên cũng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Thêm nữa, nhu cầu của người tiêu dùng giảm nên giá một số loại hoa Đà Lạt tiếp tục giảm mạnh. Thậm chí, một số hoa loại 2 và loại 3 phải nhổ bỏ.