Dân Việt

Cái Tết đoàn viên và số tiền chữa bệnh cho má của chàng “sọ dừa" bán vé số

09/02/2021 15:55 GMT+7
Thương xót cho số phận của chàng “sọ dừa” Ngô Văn Tính (32 tuổi), chị Lệ Thị Hương (40 tuổi) đã quyết định rời quê Phú Yên, vào Sài Gòn để săn sóc, ngày ngày đẩy anh đi bán vé số. Năm nay, nhờ chuyến xe nghĩa tình của Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott), cả hai đã trở về đón cái Tết đoàn viên.

img

“Chị về Tết, chị bỏ em ở lại một mình sao?” -  anh Tính hỏi.

“Ai nói em thế! Sao chị bỏ em một mình được. Chị hổng về, để gọi điện nói tụi nhỏ”.

Nói xong, chị Hương lấy cái điện thoại từ trong túi ra, gọi cho cậu con trai: “Tết này má ở lại Sài Gòn, mấy đứa ở nhà lo cơm nước cúng kiếng ông bà tươm tất nghen”.

Nghe xong, con trai chị khóc nhưng vẫn ráng động viện: “Thế má ở lại ăn Tết với chú Tính vui nghen”.

Hôm đó, chiều 30 tháng Chạp, đút cho Tính ăn xong, chị Hương vội thay cho anh một bộ quần áo mới, rồi bồng anh lên chiếc xe lăn ra khỏi cánh cửa phòng trọ.

img

Chị Hương đẩy anh đi bán vé số, ngược đường người ta đổ đi ngắm pháo hoa đêm giao thừa. Qua 2 giờ sáng, 2 người xin tá túc tại chùa, qua hết mùng 1 Tết mới dám trở về nhà. Không ai nói điều gì, nhưng cả hai đều rất nhớ quê…

Di chứng chất độc màu da cam

“Nhìn nó vậy ai không thương hả em? Hồi xưa má nó còn sức còn ẵm bồng tắm rửa được, giờ bả đã 70 tuổi, nên thôi thì chị nhận nuôi, vào Sài Gòn kiếm rau rá còn sống qua ngày…” - chị Hương nhìn anh Tính, kể.

Năm Tính vừa chào đời, anh sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác. Cho đến tháng thứ 17 tháng, một buổi chiều đang chập chững tập đi thì anh té. Từ đó tay chân anh cứ rút dần, nhão ra như bùn và chẳng thể nào đứng dậy được nữa!

5 năm sau, má Tính chắt chiu mang thai đứa con thứ hai với hy vọng có thể lành lặn. Ngày sinh, cô em gái đã trắng trẻo, mập mạp. Nhưng rồi tới tháng 17, cô cũng nằm một chỗ như Tính. Má anh ngày đêm khóc hết nước mắt.

“Lúc đó, một mình má ẵm đứa này đằng trước, địu đứa kia đằng sau đi khắp nơi chạy chữa. Đến khi được xác định nhiễm chất độc màu da cam từ ba thì bà mới bỏ cuộc…” - anh Tính nhớ lại.

img

Cả tuổi thơ Tính không bao giờ ra khỏi chiếc giường. 32 năm, anh ngày ngày lớn lên đều nhờ đôi bàn tay chăm bẵm của mẹ. Mỗi lần nhìn tụi trẻ con trong xóm chạy nhảy, đến trường đi học, Tính chỉ ước mình có thể chết cho nhẹ lòng.

“Đến năm má anh ngã bệnh thì cả nhà như đổ sụp. Ông chú ở Đắk Lắk mới bèn nhận nuôi em gái, chú cháu vào chợ hát xin tiền người ta sống. Anh thì được người quen giới thiệu vào Sài Gòn. Đi là để tự lo cho bản thân, không còn làm khổ má”.

Tính ở nhà tập thể, ban đầu được một người lành lặn đẩy đi bán vé số, mỗi ngày số tiền 300 tờ sẽ chia đôi. Thế nhưng, ngày nào bán ế, không đủ tiền cho người ta uống rượu, anh lại bị chửi, đánh đập, thậm chí bỏ ăn. Vài ba tháng sau, không chịu được cảnh sống khổ, Tính quyết định tìm đến cái chết.

“Anh lao vào rượu, bia, cứ uống cho mình nhanh chết. Tới khi nhập viện 115, trong người không còn một ngàn mà chị Hương vẫn thương vẫn sẵn sàng nuôi, rồi khuyên ngăn đủ điều thì anh mới có động lực để quay trở lại…” - anh Tính nói.

Chị Hương là hàng xóm cạnh nhà, đã chứng kiến Tính từ nhỏ lớn lên trong bàn tay của người mẹ già nên chị thương.

Từ đó, chị Hương xin phép gia đình rời quê, vào Sài Gòn ở với Tính. 2 năm nay, một tay người phụ nữ thay mẹ anh chăm chút từng bữa ăn, cái áo cái quần lẫn tờ vé số cho người đàn ông tật nguyền.

“Tính về quê ăn Tết, nó đã có tiền cho mẹ chữa bệnh”

Mẹ Tính giờ đã ngoài 70 tuổi, căn bệnh thoát vị đĩa đệm ngay càng trầm trọng. Mỗi lần nhìn mẹ ngày một càng già nua, đau đớn vì bệnh tật, Tính lại dằn vặt lòng, “suốt 32 năm chưa bao giờ không làm khổ mẹ”.

Tết năm trước, anh quyết định ở lại Sài Gòn, chắt chịu đúng 3 triệu đồng về chữa bệnh cho mẹ. Nhưng năm đó, Tết không có con, bà khóc đến đổ bệnh. Bà gọi điện vào, giục anh chắc chắn phải về.

Thế mà, thấm thoắt Tính đã 2 năm xa quê.

Năm nay, đang hy vọng được trở về quê thì thêm đợt dịch Covid-19 tràn vào, Tính lại cười trừ nói mẹ “con không về”.

img

May mắn thay, lắng nghe được hoàn cảnh của anh Tính, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) đã trao tặng cho anh và chị Hương 2 vé miễn phí trên chuyến xe nghĩa tình đưa bà con về quê đón Tết. Hôm nhận được tấm phiếu xe miễn phí ấy, Tính vui cả ngày.

Sáng 24 tháng Chạp, chị Hương thức dậy sớm đẩy Tính tới điểm tập kết. Tại Trung tâm Văn hoá Q. Tân Bình (448 Hoàng Văn Thụ), hơn 500 người lao động nghèo như Tính đều háo hức trở về quê.

Bên cạnh việc chuẩn bị những phần thức ăn nước uống, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) còn gửi tặng mỗi người một phần quà và bao lì xì… Lần đầu được chứng kiến những người cùng khổ như mình trở về trong cái Tết xum vầy, Tính vui lắm!

“Lúc đầu, anh xem giá vé xe thì mua xong cũng hết tiền về quê cho mẹ. Đi chuyến xe tình nghĩa này không những miễn phí, anh còn được thêm bao lì xì, quà Tết. Xem như năm nay, lần đầu tiên anh có thể cầm tiền về để gửi mẹ…” -  Tính xúc động nói.

5

Và ngày mai thôi, anh sẽ về trên bến quê hương. Trong cái Tết đoàn viên, Tính sẽ cầm số tiền chắt chiu suốy một năm bán số mà nói với mẹ: “Con gửi…”

Nó là món quà 32 năm nay Tính mong muốn nhưng chưa thể nào thực hiện được!

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/2, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) đã đảm bảo tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa người lao động về quê đón Tết trong không khí phòng chống dịch vô cùng nghiêm ngặt.

Tại Trung tâm Văn hoá Q. Tân Bình, mỗi cá nhân đều bắt buộc đeo khẩu trang, thực hiện đúng giãn cách, khai báo y tế và đo thân nhiệt. Ngoài ra, trước khi xuất phát, tất cả đều phải rửa tay sát khuẩn, được phát khẩu trang miễn phí,… Nhằm đảm bảo mọi người đèu có một cái Tết yên vui và an toàn.