Dân Việt

Bức ảnh bất ngờ trong biểu tình Myanmar: Cảnh sát quỳ gối

Nguyễn Thái - Tổng hợp 09/03/2021 11:40 GMT+7
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, bức ảnh 2 cảnh sát Myanmar quỳ gối trước nữ tu đã thu hút sự chú ý và tò mò. Nữ tu sĩ trong bức ảnh đã chia sẻ về tình huống đó. 

img

Bức ảnh cảnh sát Myanmar quỳ gối gây chú ý. Ảnh: Myitkyina News Journal

Theo Sky News, Ann Roza Nu Tawng là nữ tu sĩ xuất hiện trong bức ảnh. Hôm 8/3, Roza xuất hiện tại một địa điểm biểu tình trong thành phố Myitkyina, bang Kachin, Myanmar. 

Một bức ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội cho thấy nữ tu sĩ quỳ gối trước lực lượng cảnh sát dẹp biểu tình Myanmar. Hai sĩ quan cảnh sát cũng quỳ gối khi nói chuyện với Roza. 

Chia sẻ về vụ việc với Sky News, nữ tu sĩ nói: "Lúc đầu, tôi cầu xin cảnh sát đừng đánh đập, bắt giữ và trấn áp người biểu tình vì họ chỉ hô khẩu hiệu mà không làm điều gì xấu. 

Một cảnh sát nói với tôi rằng: 'Chúng tôi tiếp quản khu vực này và phải ngăn chặn đám đông biểu tình. Làm ơn, hãy rời khỏi đây'. Tôi đáp lại: 'Không, nếu các ông muốn tiếp tục làm điều đó thì phải bước qua xác tôi. 

Sau đó, cảnh sát nói: 'Chúng tôi phải dỡ bỏ các chướng ngại vật trên đoạn đường này'. Họ dỡ bỏ các rào chắn và một lúc sau người biểu tình quay lại.

Khoảng 12h trưa, lực lượng an ninh dường như lại chuẩn bị trấn áp người biểu tình. Vì vậy, tôi lại ra cầu xin họ. Tôi quỳ xuống và van xin họ đừng bắn và bắt giữ người biểu tình. 

Hai cảnh sát sau đó cũng quỳ gối và nói với tôi rằng họ buộc phải làm vậy để ngăn đám đông quá khích. Ngay sau đó, hơi cay được bắn ra và tôi gần như ngạt thở, choáng váng. Tôi thấy một người biểu tình ngã xuống đường, dường như là bị bắn". 

Nữ tu sĩ cho biết không thể nhìn rõ ai là người nổ súng vào người biểu tình vì hơi cay mù mịt. 

Theo tạp chí Myitkyina News, có ít nhất 2 người được xác nhận là đã chết trong vụ việc. 

Đêm 8/3, lực lượng an ninh đã vây hãm 200 người biểu tình ở thị trấn Sanchaung, thành phố Yangon, theo văn phòng các quyền của Liên Hợp Quốc. Theo Guardian, sáng sớm 9/3, 200 người biểu tình đã được phép rời khỏi khu vực bị cảnh sát vây hãm.

Chính quyền quân sự Myanmar tiếp tục dập tắt các cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước. Đám đông biểu tình yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và phản đối cuộc đảo chính hôm 1/2.