Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3.970 triệu USD, chiếm 72,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 775,6 triệu USD, chiếm 14,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 376,3 triệu USD, chiếm 6,8%.
Trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, Xingapo là nhà đầu tư lớn nhất với 4.413,8 triệu USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; Nhật Bản 1.796,3 triệu USD, chiếm 21,2%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 774,9 triệu USD, chiếm 9,2%; Trung Quốc 576,2 triệu USD, chiếm 6,8%; Hàn Quốc 248,7 triệu USD, chiếm 2,9%; Hoa Kỳ 148,8 triệu USD, chiếm 1,8%.
KCB của ông Đặng Thành Tâm thu lãi lớn nhờ sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam
Làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2021, cũng đã giúp các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp lãi lớn.
Trong đó, quý 1/2021 Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) ghi nhận doanh thu tăng mạnh từ 556 tỷ đồng lên 2.002 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản là 1.904 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ và chiếm tới 95% số tổng.
Nguồn thu còn lại đến từ cho thuê kho, nhà xưởng, văn phòng (26 tỷ đồng) và cung cấp nước sạch, điện, phí dịch vụ và xử lý nước thải (71 tỷ đồng).
Giá vốn hàng bán của Kinh Bắc tăng 182% lên 879 tỷ đồng, nhưng vì tăng chậm hơn doanh thu nên lãi gộp quý đầu năm tăng gấp gần 5 lần, lên 1.123 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng vì thế tăng từ 44% lên 56%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng mạnh từ 17 tỷ đồng lên 42 tỷ đồng. Các loại chi phí cũng biến động đi lên: chi phí tài chính tăng 46 tỷ đồng lên 94 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 94 tỷ đồng lên 107 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 15 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng.
Dù vậy, trong quý đầu năm Kinh Bắc báo lãi ròng 715 tỷ đồng, cao gấp 7,6 lần cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp.
Trong quý 1/2021, doanh thu Tổng công ty Viglacera (VGC) đạt 2.358 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán lại giảm 8,6% nên lợi nhuận gộp đạt 677 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí, Viglacera lãi ròng 279,6 tỷ đồng ở quý I, tăng 65% so với cùng kỳ, trong đó phần lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 277 tỷ đồng. Công ty lý giải sự tăng trưởng lợi nhuận là do các khu công nghiệp tiếp tục mang lại hiệu quả đóng góp chính vào sự tăng trưởng lợi nhuận.
Trong khi đó, CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) ghi nhận doanh thu thuần 68 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt hơn 48 tỷ đồng tăng 84,6% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 55 tỷ đồng, tăng hơn 74% so với cùng kỳ; doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 26%, lên hơn 11 tỷ đồng.
Trong kỳ doanh thu hoạt động tài chính đạt 86 tỷ đồng, tăng 12% nên sau khi trừ các khoản chi phí Nam Tân Uyên đạt gần 113 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 32% so với quý 1/2020.
Tương tự Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 177 tỷ đồng tăng 88% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng tăng 124% nên lợi nhuận gộp đạt 81,6 tỷ đồng, tăng 58% so với quý 1/2020.
Sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận 7,2 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác giúp ITA lãi sau thuế 57,6 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ 2020.