Thiếu tướng Lê Đăng Dũng về nghỉ hưu theo chế độ, Đại tá Tào Đức Thắng trở thành người thứ 8 giữ vị trí cao nhất của Viettel từ khi thành lập (1989).
Đại tá Tào Đức Thắng trước đó đã chính thức điều hành hoạt động của Viettel từ ngày 1/1/2022 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2021.
Đại tá Tào Đức Thắng gia nhập Viettel từ năm 2005, kinh qua nhiều vị trí chủ chốt
Đại tá Tào Đức Thắng sinh ngày 15/7/1973, quê Thanh Hóa, trình độ thạc sỹ điện tử viễn thông. Ông Thắng giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel từ tháng 8/2015 đến nay.
Trước khi được bổ nhiệm, ông Tào Đức Thắng từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt của Viettel như: Phó TGĐ Tập đoàn Viettel (2018-2021), Quyền Phó TGĐ Tập đoàn (2015-2018), Quyền TGĐ Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (2014-2015), TGĐ Tổng công ty Mạng lưới Viettel (2013-2014), Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel (2010-2013), Quyền Phó giám đốc Công ty Viễn thông Viettel (2008-2010)...
Năm 2005, ông gia nhập Viettel với vai trò Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật, Công ty Điện thoại di động Viettel (TCT Viễn thông Quân đội). Từ 2005-2008 ông lần lượt giữ các chức vụ Phó giám đốc Trung tâm điện thoại di động KV1, Phó giám đốc Trung tâm điều hành kĩ thuật (Công ty Viễn thông Viettel). Trước đó, từ 1995-2005 ông làm việc tại Công ty Điện thoại Hà Nội và Bưu điện Hà Nội.
Được biết, sau 33 năm thành lập, Viettel đã có 4 giai đoạn phát triển và 3 thế hệ lãnh đạo.
Năm 2021, Viettel là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất trong ngành khi nộp ngân sách gần 32 nghìn tỷ đồng, giữ vững vị trí số 1 về di động, là nhà mạng có chất lượng tốt nhất Việt Nam trong năm 2021. Các giải pháp số giúp Viettel duy trì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh vẫn kéo dài suốt năm qua.
Theo kết quả kinh doanh năm 2021 mà đơn vị này mới công bố cho thấy, doanh thu tập đoàn là 274 nghìn tỷ, tăng trưởng 3,3% so với năm 2020. Lợi nhuận đạt 40,1 nghìn tỷ, tăng 2%. Doanh nghiệp nộp ngân sách gần 32 nghìn tỷ đồng.
Riêng ở thị trường nước ngoài lợi nhuận viễn thông tăng trưởng 13,5%. Trong đó, thương hiệu Viettel tại Châu Phi đạt kỷ lục khi tăng 37%; hay Mytel - thương hiệu Viettel tại Myanmar cũng tăng 31,5% với 11,2 triệu thuê bao. Tại 5 trong số 10 thị trường nước ngoài, Viettel giữ vị trí dẫn đầu.