Đến từ một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng, thuộc chuỗi giá trị ngành dịch vụ hàng không của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, một bát phở BigBowl ở sân bay được bán với mức giá niêm yết từ 60.000 – 80.000 đồng/bát tiêu chuẩn, gọi thêm có thể lên tới hơn hơn 200.000 đồng/bát.
Với mức giá trên, chất lượng phở BigBowl luôn là chủ đề gây tranh cãi trên các diễn đàn ẩm thực.
Mới đây, mạng xã hội truyền tay nhau bài viết chia sẻ cảm nhận của một khách hàng sau khi ăn xong bát phở BigBowl giá 145.000 đồng ở sân bay Tân Sân Nhất (TP.HCM). Người này cho biết đã nghe danh thương hiệu phở này từ lâu, thậm chí được giới thiệu là “ai ra sân bay cũng nên thử một lần”.
Một bát phở BigBowt cỡ lớn giá 110.000 đồng.
Chia sẻ của một thực khách về chất lượng phở BigBowl. (Ảnh chụp màn hình)
Anh hào hứng gọi một tô đại giá 110.000 đồng/bát và một phần bò tái thêm giá 35.000 đồng, tổng giá bát phở hết 145.000 đồng, mức giá này cao hơn gấp 2 - 3 lần so với bát phở truyền thống khác như: phở Khôi Hói, phở Thìn, phở Gánh…
Tuy nhiên, theo lời vị khách này, chất lượng thực sự không tương đương với giá tiền. “Bánh phở mền oặt, thịt bò thái quá mỏng, thêm nữa nước dùng không khác biệt. Bỏ ra gần 150.000 đồng để ăn một bát phở mà cả phở và bò đều ít so với giá. Đấy là chưa kể tới chất lượng dịch vụ cũng chỉ ở tầm trung”.
Đây không phải lần đầu phở BigBowl bị khách hàng phản ánh tiêu cực. Phần lớn thực khách cho rằng phở này chỉ nổi tiếng và được định giá theo thương hiệu chứ chất lượng không xứng với giá thành.
Tuy nhiên, một số khách hàng khác cho rằng không chỉ phở BigBowl, mà hầu hết các sản phẩm ở sân bay đặc biệt là thực phẩm đều bị đội giá gấp 3 – 4 lần so với mức giá thông thường.
Các sản phẩm bán ở sân bay phải trải qua nhiều lần kiểm tra khắt khe, chi phí thuê quầy hàng ở đây tốn kém hơn nhiều so với ngoài thị trường. Bên cạnh đó, ở sân bay, khách hàng không có nhiều lựa chọn, nhu cầu cao mà nguồn cung lại ít nên giá cao cũng là điều dễ hiểu.
“Thuận mua vừa bán, ai cũng biết đồ ăn ở sân bay rất đắt, phở của BigBowl hay các loại phở của thương hiệu khác đều có mức giá trung bình 80.000 đồng/bát, và thực tế là không quá đầy đặn. Nếu không muốn trả tiền cho một bát phở không xứng đang mọi người có thể ăn no ở nhà trước khi ra sân bay” – tài khoản Tuấn Anh Phạm bình luận trong bài viết về chất lượng phở BigBowl.
Trên trang chủ của thương hiệu giới thiệu “Cách làm phở tuân theo nguyên tắc truyền thống đun xương bò lăn tăn đủ 24 tiếng để cho ra một loại nước dùng trong, thanh ngọt tự nhiên. Hương vị thơm ngon của nước dùng được quyết định bởi các loại gia vị như hành và gừng nướng, thảo quả, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, quế thanh. Big Bowl cũng sử dụng 100% bò Úc và thịt gà chất lượng cao đạt quy chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Bò ở đây được giới thiệu là sử dụng 100% bò Úc.
Bảng giá phở được niêm yết tại cửa hàng.
Mức giá được niêm yết trên website và trên bảng giá tại các cửa hàng trong hệ thống; Từ 60.000 – 80.000 đồng/bát tiêu chuẩn một loại thịt, bát cỡ lớn là 110.000 đồng/bát. Ngoài ra, các loại thịt ăn kèm như: bò chín; bò viên; bò tái; bò bắp; thịt gà đồng giá 35.000 đồng/phần, bò Wagyu giá 55.000 đồng/phần…
Như vậy, giá một phần bò thêm ở BigBowl đã tương đương với giá trung bình một bát phở truyền thống trên thị trường.
Phở Big Bowl từ khi khai trương nhà hàng đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất vào năm 2012 và liên tiếp mở các cửa hàng ở các cảng hàng không lớn của cả nước. Các cửa hàng phần lớn đều nằm ở những vị trí đắc địa trong sân bay. Đến nay, đây là chuỗi cửa hàng phở ăn nên làm ra nhất, “vượt mặt” nhiều thương hiệu phở nổi tiếng khác.
Trước thời điểm dịch Covid-19, công ty có kết quả kinh doanh tích cực. Trong vòng 4 năm từ 2015-2019, doanh thu tăng hơn gấp đôi từ 500 tỷ lên 1.158 tỷ đồng còn lợi nhuận thì tăng gần gấp 4 lần từ 76 tỷ lên 286 tỷ đồng.
Như vậy, năm 2019, bình quân 1 ngày các chuỗi của Autogrill (bao gồm phở Big Bowl) đã thu về doanh thu hơn 3 tỷ đồng và lợi nhuận gần 800 triệu đồng.