Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EC) (ảnh: RT)
Hôm 10.3, 4 nước có tiếng nói hàng đầu EU, bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan đồng loạt bày tỏ quan điểm phản đối việc kết nạp nhanh Ukraine theo “thủ tục đặc biệt”. Trong đó, Pháp được cho là nước phản đối gay gắt nhất.
“Chúng ta có thể thông qua một thủ tục đặc biệt để kết nạp một nước đang có giao tranh hay không? Tôi cho rằng là không”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu.
Tổng thống Pháp cho biết, ông muốn “gửi thông điệp mạnh mẽ tới Ukraine và người dân nước này về tình hình đoàn kết trong thời điểm khó khăn”, nhưng EU vẫn “cần cảnh giác” khi quốc gia Đông Âu đang xảy ra xung đột quân sự.
Tại hội nghị Versailles, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng, việc Ukraine gia nhập EU trong thời gian ngắn là không có triển vọng.
“Tất cả các nước thành viên Tây Âu mà tôi nói chuyện đều cho rằng, không nên cố gắng đẩy nhanh quá trình gia nhập EU của Ukraine một cách vội vã. Không có thủ tục đặc biệt nào để kết nạp một thành viên vào khối”, ông Mark Rutte nói.
Thủ tướng Đức – ông Olaf Scholz – cũng đồng tình với quan điểm của Pháp và cho rằng, EU hiện chưa sẵn sàng mở rộng quy mô. Ông Olaf Scholz nhấn mạnh, việc kết nạp một nước vào EU phải được sự nhất trí của tất cả 27 thành viên.
Đại diện Tây Ban Nha tham gia hội nghị Versailles cũng bày tỏ lo ngại việc kết nạp nhanh chóng Ukraine do tình trạng tham nhũng, kinh tế và an ninh kém ổn định ở quốc gia Đông Âu.
Kết thúc hội nghị, 27 nước thành viên EU thông qua tuyên bố chung về việc phản đối xung đột Nga – Ukraine và cam kết sẽ ủng hộ, làm sâu sắc thêm quan hệ với Kiev.
Hôm 28.2, Tổng thống Ukraine Zelensky ký đơn đề nghị gia nhập EU. Ông Zelensky kêu gọi EU kết nạp Ukraine ngay lập tức theo “thủ tục đặc biệt”.
Đề nghị gia nhập khẩn cấp của Ukraine nhận được sự ủng hộ của một số nước thành viên EU như Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Cộng hòa Séc.