Iran đã phóng 12 tên lửa đạn đạo nhằm vào thành phố Erbil ở Iraq, nơi có lãnh sự quán Mỹ.
Cuộc tập kích bằng tên lửa đạn đạo diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung với Iran trong vấn đề hạt nhân.
Lãnh sự quán không trúng tên lửa trực tiếp và không có nhân viên Mỹ bị thương trong vụ việc, quan chức Mỹ nói trên tờ Wall Street Journal (WSJ).
Giới chức Mỹ nói không rõ vì sao Iran lại phóng loạt tên lửa đạn đạo nhằm vào thành phố Erbil và đang xác minh mục đích của vụ phóng này.
Mỹ có một lãnh sự quán ở Erbil, thủ phủ của người Kurd ở Iraq. Các tên lửa rơi xuống với cự ly khác nhau, gần nhất cách lãnh sự quán khoảng 2km.
Vài giờ sau, người Kurd ở Iraq nói 12 tên lửa đạn đạo được phóng từ bên ngoài Iraq, nhắm vào khu vực quanh lãnh sự Mỹ. Vụ tấn công bằng tên lửa khiến một dân thường bị thương.
Đây là đợt tập kích bằng tên lửa hiếm hoi được phóng từ Iran. Lần cuối có tên lửa đạn đạo phóng từ Iran, nhằm vào các mục tiêu của Mỹ là vào tháng 1.2020, khi Iran phóng tên lửa trả đũa vụ sát hại thiếu tướng Qassem Soleimani. Không có binh sĩ Mỹ nào thiệt mạng trong vụ tấn công năm 2020, nhưng một số quân nhân bị chấn thương ở vùng đầu.
Giới chức Mỹ nói đòn tấn công tên lửa mới nhất của Iran có thể nhằm đáp trả đợt không kích của Israel ở lãnh thổ Syria hôm 7.3. Vụ tấn công khiến 2 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thiệt mạng.
Phía Iran đã nhiều lần hối thúc Mỹ kiềm chế đồng minh. Tháng 10.2021, Iran sử dụng 5 máy bay không người lái tấn công căn cứ al-Tanf ở phía nam Syria. Căn cứ là nơi một số ít binh sĩ Mỹ đồn trú và được sử dụng để huấn luyện các tay súng ở Syria.
Iran khi đó nói vụ tấn công nhằm đáp trả việc Israel sát hại hai sĩ quan của nước này ở Syria, giới chức Mỹ cho biết.
Bình luận về vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói sự việc đang được chính phủ Iraq và chính quyền địa phương người Kurd điều tra.
Mỹ và Iran đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận hạt nhân mới thay cho thỏa thuận năm 2015, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung do Nga yêu cầu hoạt động giao thương của nước này với Iran không được phép nằm trong lệnh cấm vận của Mỹ.