Dân Việt

Đồng Euro tụt giá về mức gần bằng USD sau nhiều thập kỷ

Huy Nguyễn (Theo Reuters) 13/07/2022 13:32 GMT+7
Đồng Euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD trong phiên giao dịch đầu tuần này trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ và cuộc chiến của Nga với Ukraine đe dọa nguồn cung năng lượng cho châu Âu.

Trong phiên giao dịch ngày 12/7, đồng euro đã dao động gần ngang với đồng USD. Đồng tiền chung của khối các nước châu Âu sụt giảm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng đang diễn ra và những rủi ro đối với nền kinh tế tiếp tục ảnh hưởng.

img

Đồng euro so với đồng USD giảm xuống mức thấp nhất là 1,0002 đô la vào lúc 9:49 sáng EDT (1349GMT), mức thấp nhất kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2002, theo số liệu chính thức.

Chỉ số đô la, được sử dụng để đo lường giá trị của đồng USD so với sáu loại ngoại tệ bao gồm bảng Anh, euro, franc Thụy Sĩ, yên Nhật, đô la Canada và krona Thụy Điển, đã tăng 1,1% lên 108,19, mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm.

Fed đã tăng tổng cộng 150 điểm cơ bản kể từ tháng 3 để kiềm chế lạm phát cao kỷ lục, đẩy chỉ số đồng đô la lên cao hơn. Mặt khác, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vẫn chưa đưa ra thay đổi về lãi suất.

ECB dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất lên 25 điểm cơ bản vào ngày 21 tháng 7, trong khi Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào ngày 27 tháng 7. Hiện cả hai nền kinh tế Mỹ và châu Âu đều chìm trong lo ngại suy thoái.

Cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục gây rủi ro cho khu vực đồng euro, trong khi Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, có khả năng phải đối mặt với việc ngừng dòng khí đốt tự nhiên của Nga vĩnh viễn.

Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết châu Âu đã chuẩn bị tinh thần cho việc Nga tạm khóa dòng chảy khí đốt trong 10 ngày. Theo đó, nhiều người lo ngại rằng Nga có thể sẽ khóa van hoặc giảm một lượng khí đốt lớn cung cấp cho châu Âu.

Ngoài ra, những dự báo về suy thoái kinh tế ngày càng được nhiều chuyên gia chia sẻ. Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc NHTW châu Âu (ECB) có thể thắt chặt chính sách tiền tệ đủ mạnh tay để kiềm chế tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục, trong khi không gây tổn hại thêm cho nền kinh tế hay không.