Giá dầu WTI của Mỹ giảm 0,97% lên 99,31 USD/thùng vào lúc 13h28 (giờ Việt Nam) ngày 1/4. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 5 tăng 0,71% lên 103,97 USD/thùng so với chốt phiên hôm qua.
Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố một đợt giải phóng lớn chưa từng có từ kho dự trữ chiến lược quốc gia và kêu gọi các công ty dầu tăng số lượng giàn khoan để thúc đẩy nguồn cung. Bắt đầu từ tháng 5, Mỹ sẽ giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày từ SPR trong vòng 6 tháng, ông Biden nói và cho biết thêm rằng các đồng minh và đối tác có thể đưa thêm 30 - 50 triệu thùng dầu ra thị trường.
Theo đó, giá dầu lao dốc như đứt phanh. Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô WTI giao tháng 5 của Mỹ giảm 7% xuống 100,28 USD/thùng. Trong phiên có thời điểm giá xuống còn 99,66 USD. Giá dầu thô Brent giao tháng 5, đáo hạn vào ngày 31/3, đóng cửa với mức giảm 4,8% xuống 107,91 USD.
Theo các chuyên gia tại ông lớn ngân hàng Phố Wall, việc giải phóng dầu thô của Mỹ sẽ giúp thị trường tái cân bằng, nhưng sẽ không thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay.
Giá dầu thô lao dốc
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 1/4, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 27.309 đồng/lít
- Xăng RON 95 không cao hơn 28.153 đồng/lít
- Dầu diesel không cao hơn 25.080 đồng/lít
- Dầu hỏa không cao hơn 23.764 đồng/lít
- Dầu mazut không cao hơn 20.929 đồng/kg.
Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine gây sức ép tới nguồn cung dầu.
Dù có lúc tăng lúc giảm, tuy nhiên, xu hướng giá chung vẫn là tăng 4 - 16%.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc nhập xăng dầu trong thời gian qua rất khó khăn vì tình hình căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine leo thang. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nguồn nhập khẩu cũng phải cân nhắc kỹ càng.