Triều Tiên phóng tên lửa siêu vượt âm vào rạng sáng ngày 11.1.
Tên lửa siêu vượt âm Triều Tiên phóng mang theo thiết bị bay siêu thanh (HGV), đánh trúng mục tiêu trên biển ở khoảng cách 1.000km, trong đó có 240km liên lục thay đổi hành trình, giả định đánh lừa hệ thống phòng không, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.
Ông Kim trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa, đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên quan sát một vụ thử vũ khí kể từ cách đây 2 năm. Động thái này cho thấy tầm quan trọng của tên lửa siêu vượt âm, “giúp tăng đáng kể khả năng răn đe”.
Trong khi các tuyên bố về tên lửa siêu vượt âm của Triều Tiên chưa được kiểm chứng, vụ phóng tên lửa là biểu tượng cho thấy sự thay đổi trong chương trình phát triển vũ khí của nước này.
Trong hơn 2 năm qua, ông Kim đã tập trung phát triển tên lửa có khả năng né tránh hệ thống phòng không của Mỹ và đồng minh. Tên lửa siêu vượt âm Triều Tiên gửi thông điệp tới chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, rằng nếu Mỹ tấn công phủ đầu, Bình Nhưỡng sẽ đáp trả rất mạnh mẽ.
Năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã dọa sẽ giáng đòn “lửa và cơn thịnh nộ” nhằm vào Triều Tiên.
Duyeon Kim, trợ lý cấp cao đến từ Trung tâm An ninh Mỹ tại Seoul (Hàn Quốc), nói Triều Tiên đang cố gắng tạo ấn tượng rằng nước này có thể đáp trả đòn tấn công của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Kim Jong Un trực tiếp thị sát vụ phóng thử tên lửa sau 2 năm.
“Các bước tiến trong chương trình tên lửa cho thấy Triều Tiên đang theo đuổi chiến lược giáng đòn tấn công hạt nhân đáp trả, bằng cách chế tạo các tên lửa hiện đại và khó bị đánh chặn hơn”, Kim nói.
Bằng cách này, ông Kim đưa Triều Tiên ngang hàng với các cường quốc hạt nhân, dù quốc gia này chịu lệnh cấm vận nặng nề của Mỹ.
Tên lửa siêu vượt âm trang bị phương tiện bay siêu thanh giúp Triều Tiên có đủ năng lực đe dọa các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản và căn cứ Mỹ ở châu Á, từ đó giúp ông Kim có tiếng nói hơn trong các cuộc đàm phán tương lai.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, căng thẳng Mỹ-Triều Tiên một lần nữa quay trở lại.
Victoria Nuland, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, ngày 11.1 nói “vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là hành động sai lầm. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên về các vấn đề như Covid-19 và viện trợ nhân đạo. Thay vào đó, họ đã phóng tên lửa”.
Một ngày sau, Bộ Tài chính Mỹ ra thông báo trừng phạt 5 người Triều Tiên sống ở nước ngoài, một ở Nga và 4 ở Trung Quốc, vì giúp sức vào chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Vụ phóng tên lửa ngày 11.1 là lần thứ hai Triều Tiên thử vũ khí siêu vượt âm trong vòng chưa đầy một tuần. Các vũ khí khác được Triều Tiên phóng thử nghiệm trong vài tháng qua gồm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa hạt nhân phóng từ tàu hỏa.
“Ông Kim đang cho thấy năng lực quân sự của Triều Tiên không ngừng tăng lên, đủ sức đe dọa Mỹ bằng nhiều lựa chọn khác nhau”, Soo Kim, nhà phân tích chính sách tập đoàn RAND có trụ sở ở Mỹ, người trước đây từng làm việc tại Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), nói. “Bằng cách này, ông Kim vừa tạo sức nặng trong các cuộc đàm phán, vừa đảm bảo yếu tố bất ngờ đối với Mỹ”.
Theo các nhà phân tích, Triều Tiên chưa sở hữu phương tiện bay siêu thanh thực sự vì phần cánh không đủ lực nâng để giúp bay xa. Thay vào đó, vũ khí Triều Tiên thử nghiệm gần đây giống “phương tiện tái nhập cơ động" hơn, có thể tách khỏi tên lửa và chủ động đổi hướng để tránh bị đánh chặn.
Tuy vậy, tên lửa Triều Tiên đã bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh, khiến radar khó nắm bắt hơn. Bằng chứng là Hàn Quốc không xác định chính xác được tên lửa đã bay bao xa, cho rằng vào khoảng 700km.
“Các hệ thống radar hạn chế ở Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gặp khó khăn với các vũ khí mới của Triều Tiên”, Ankit Panda, chuyên gia chính sách hạt nhân thuộc Quỹ hòa bình quốc tế, nhận định.
“Những cuộc thử nghiệm này phản ánh mục tiêu hiện đại hóa quân đội Triều Tiên, nhằm theo đuổi khả năng răn đe hạt nhân hiệu quả chống lại Mỹ”, ông Panda nói thêm. “Hiện tại, Triều Tiên không có hứng thú đàm phán với Mỹ”.