Dân Việt

Giá gạo, dầu ăn, mì tôm đồng loạt “ăn theo” giá xăng, người tiêu dùng choáng váng

Hồng Cảnh 14/03/2022 13:36 GMT+7
Không chỉ giá xăng dầu tăng lên mức cao kỷ lục mà hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng cũng đua nhau tăng giá khiến chị em nội trợ được phen “choáng váng”.

Chưa khỏi choáng váng khi giá xăng tăng lên gần 30 nghìn đồng/lít vào ngày 11/3, chị Nguyễn Thị Lý, trú tại Đống Đa (Hà Nội) lại “sốc nặng” khi đi mua chai dầu ăn Simply với giá 65 nghìn đồng/lít và mua 10kg gạo tám Thái đỏ với giá 220 nghìn đồng.

“Trước đây tôi chỉ cần 50 nghìn đồng là đổ đầy bình xăng chiếc xe Wave S 2010. Vậy mà chỉ sau vài tháng, phải mất 100 nghìn đồng để đổ đầy bình xăng, dầu ăn tăng lên hơn 10 nghìn đồng/lít, gạo cũng tăng lên 30-40 nghìn đồng/bao 10kg, mì tôm cũng tăng từ 7-15 nghìn đồng/thùng/30 gói. Cái gì cũng tăng đến chóng mặt”, chị Lý thở dài.

img

Nhiều người bất ngờ khi các mặt hàng tiêu dùng đều đồng loạt tăng giá.

Chị Lý cho biết, tăng mạnh nhất phải kể đến là gạo. Trước kia, chị chỉ cần mua loại gạo từ 160-180 nghìn đồng/bao 10kg loại gạo Lài Nhật, Tám Thái, Tám Điện Biên, Tám Hải Hậu nhưng hiện tại, giá tất cả các loại đều tăng từ 20-40 nghìn đồng/bao.

“Đi chợ thì từ gạo, dầu ăn, rau cỏ đều tăng giá. Vác xe đi làm thì xăng tăng giá trong khi đó thu nhập của 2 vợ chồng đều giữ nguyên. Lương không tăng mà chi phí đắt đỏ thế này càng ngày càng khó khăn”, chị Lý nói.

Chỉ vào đống đồ vừa mua về, chị Lương Thị Sự, trú tại Hoài Đức (Hà Nội) cũng cho biết, cả nhà chị đau đầu khi đi chợ bởi tất cả mọi thứ đều “ăn” theo giá xăng mà tăng giá.

“Dầu ăn Meizan Gold trước tôi mua có 62 nghìn đồng/chai 2 lít, giờ tăng lên 102 nghìn đồng, tăng 40 nghìn đồng/chai; sữa tươi TH True Milk ít đường trước chỉ 320 nghìn đồng/thùng 48 hộp 180ml mà giờ tôi phải mua 395 nghìn đồng/thùng, tăng 75 nghìn đồng/thùng Tiếc tiền tôi chuyển sang sữa Vinamilk ít đường thì cũng tăng từ 300 nghìn đồng lên 340 nghìn đồng/thùng 48 hộp 180ml. Ngay cả thùng mì tôm cũng tăng từ 80 nghìn đồng lên 102 nghìn đồng”, chị Sự phân tích.

img

Giá cả leo thang, nhiều người phải "thắt lưng buộc bụng" mới đủ chi tiêu cho gia đình.

Theo chị Sự, nhà chị đông người, trước đây đi mua dầu ăn hay giấy vệ sinh, chị luôn mua cả thùng cho rẻ. Tuy nhiên đợt này giá loại nào cũng tăng chóng mặt nên chị chỉ mua 2 chai dầu ăn, 2 bịch giấy vệ sinh, 1 thùng sữa, 1 thùng mì tôm, thêm gia vị mắm muối vừa đủ ăn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021 ở mức từ 410-415 USD/tấn vào ngày 10/3, so với mức tương ứng 400 USD/tấn vào tuần trước đó.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cũng nhờ các tuyến giao thương với Trung Quốc mở lại, cùng với một số thương nhân cho rằng nhiều người có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng thay thế do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các chuyên gia nhận định, các chuyến hàng đưa gạo sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên do nước này đang mở cửa biên giới với Việt Nam sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine có thể thúc đẩy một số khách hàng nhập khẩu nhiều gạo từ châu Á hơn, trong đó có Việt Nam.

img

Hầu hết giá các mặt hàng xăng dầu, gas, thực phẩm hay hàng tiêu dùng đều tăng giá.

Theo tìm hiểu của PV, mọi thứ từ xăng dầu, gas, lúa mì đến dầu mỏ hay phân bón đều chứng kiến giá tăng vọt khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine lên đến đỉnh điểm. Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì, ngô và lúa mạch lớn nhất thế giới, xuất khẩu hơn 75% lượng dầu hướng dương trên toàn cầu. Vì vậy, căng thẳng giữa hai nước này đang làm cho giá các loại dầu ăn liên tục tăng cao kỷ lục.

Ngoài ra, dầu ăn cũng là nguyên liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng nghìn sản phẩm hàng hoá, từ socola đến bánh kẹo, mì ăn liền. Vì vậy, người tiêu dùng trên khắp thế giới đang phải trả mức giá cao hơn cho những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.