Nếu "Tây du ký" 1986 được phủ sóng rộng rãi khắp châu Á, trở thành niềm tự hào của nền phim ảnh Trung Hoa thì "Tây du ký" 1927 lại bị cấm chiếu vĩnh viễn trong hơn 95 năm qua.
"Tây du ký" 1927 (hay còn gọi là "Động bàn tơ") là phim đầu tiên chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ngô Thừa Ân, ra đời vào thập niên 1920 tại Thượng Hải - thời kỳ dòng phim câm thịnh hành và kỹ thuật làm phim của phương Tây du nhập khá sâu vào thị trường Á đông. Vì thời lượng giới hạn nên phim chỉ tập trung nội dung từ chương 72, 73 của tiểu thuyết, xoay quanh chuyện thầy trò Đường Tăng gặp nạn ở động Bàn Tơ.
Diễn biến của phim đều được gói gọn trong động Bàn Tơ, xoay quanh Đường Tăng và các yêu tinh nhền nhện.
Ngay từ khi ra mắt, bộ phim đã thu hút số đông khán giả. Theo trang 163, vào thời đó, giá vé xem phim là một đồng, trong khi mức lương bình quân của lao động phổ thông là năm đồng. Tuy có giá vé đắt đỏ nhưng bộ phim vẫn thu hút sự quan tâm của công chúng, vì đó là lần đầu tiên "Tây du ký" được lên phim, quy tụ dàn diễn viên tên tuổi. "Tây du ký" 1927 đạt doanh thu lớn, giúp vợ chồng Đản Đỗ Vũ - Ân Minh Châu nhận về khoản thù lao 50.000 nhân dân tệ. Họ dùng số tiền này mua trang thiết bị làm phim, sắm ôtô.
"Thừa thắng xông lên", NSX chuẩn bị làm tiếp phần 2 thì phim nhận lệnh cấm chiếu với lý do chứa cảnh quay, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Cụ thể, các nữ diễn viên diện áo yếm, quần ngắn, váy kiệm vải. Phim có nhiều cảnh 7 yêu tinh nhền nhện tắm suối, dùng nhan sắc để quyến rũ Đường Tăng… với nhiều hành động, cử chỉ quá táo bạo. Sau đó không lâu, kho tư liệu của hãng phim bị bom lửa phá huỷ nên phim cũng bị thất truyền từ đó.
Cảnh Ân Minh Châu cởi áo từng bị cho là không hợp thuần phong mỹ tục
Những yêu quái trong động Bàn Tơ ăn mặc hở hang, phản cảm
3 đồ đệ Đường Tăng có vẻ ngoài xù xì, xấu xí
Mãi cho tới năm 2012, Tina Anckarman - nhân viên làm việc ở Thư viện quốc gia Na Uy phát hiện bản sao của "Tây du ký" 1927. Hai năm sau, tác phẩm được phục chế, phía Na Uy tặng bản sao cho Bảo tàng Tư liệu điện ảnh Trung Quốc. Đây là món quà tư liệu quý giá vì các bộ phim điện ảnh những năm 1920 của Trung Quốc hiện nay chỉ còn lưu giữ chưa đến 20 bộ.
Thang Duy Kiệt - phó giáo sư viện Nhân văn học của Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, cho biết bộ phim thuộc hàng "bom tấn" thập niên 1920, đánh dấu những đột phá trong việc sử dụng kỹ xảo, hiệu ứng mỹ thuật. Sau 95 năm, tạo hình nhân vật không lỗi thời, các nhà làm phim đã nỗ lực tái hiện chân thực các tình tiết được miêu tả trong tiểu thuyết.
Tuy nhiên, do nghệ thuật hóa trang, đạo cụ thô sơ, kỹ xảo giản đơn nên phim không tránh khỏi nhiều hình ảnh thiếu thẩm mỹ, phản cảm. Trang phục và diễn xuất của các diễn viên nữ không phải quá phá cách, nhưng đặt trong bối cảnh thời đại bấy giờ thì được cho là không phù hợp.