Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh
Sau những thành công ở Campuchia, một thị trường có quy mô nhỏ nhưng là bước đệm quan trọng để tiến ra nước ngoài, có vẻ Indonesia mới là lựa chọn xứng tầm cho mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Đông Nam Á. Tiềm năng của thị trường này thế nào thưa ông?
CEO Hiểu Em: Đúng vậy, thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và điện máy hiện tại ở Indonesia có giá trị ước tính khoảng 14 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị tiêu thụ riêng điện thoại là hơn 9 tỷ USD, gần gấp đôi so với Việt Nam. Các mặt hàng công nghệ thông tin và thiết bị văn phòng có giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD. Như vậy, thị trường điện máy ở Indonesia ước tính khoảng 3 tỷ USD, chỉ bằng 70%-75% so với Việt Nam. Con số này quá nhỏ so với tiềm năng của thị trường khi quy mô dân số và GDP của Indonesia xấp xỉ 3 lần Việt Nam.
Ở Việt Nam, tổng giá trị tiêu thụ điện thoại và điện máy khá đồng đều. Như vậy, quy mô hợp lý của thị trường điện máy Indonesia cũng phải tương đương con số 7 - 8 tỷ USD.
Erafone thuộc sở hữu của Erajaya, đối tác của MWG tại Indonesia (ảnh: Erafone)
Hiện tại, sản lượng sản phẩm điện máy bán ra tại thị trường Indonesia cao hơn Việt Nam nhưng các sản phẩm tiêu dùng lại thuộc phân khúc giá thấp hơn nhiều.
Lí do là thị trường Indonesia đang thiếu một nhà bán lẻ dẫn dắt, cung cấp dịch vụ khách hàng tốt để khuyến khích nhu cầu mua sắm, trải nghiệm sản phẩm của người tiêu dùng. Khi thị trường phần lớn chỉ là những cửa hàng truyền thống thì danh mục sản phẩm, hàng hóa trưng bày cũng như các dịch vụ hậu mãi là rất hạn chế. Hiện tại, nhà bán lẻ lớn nhất chỉ có hơn 60 cửa hàng, 1 con số quá thấp nếu so sánh với mạng lưới của Điện máy Xanh tại Việt Nam.
Chúng tôi ước tính với sự hiện diện của Era Blue, thị trường có thể tăng trưởng gấp 2 - 3 lần trong 5 năm tới.
So sánh với câu chuyện của Điện máy Xanh ông thấy những cơ hội tương tự gì ở Indonesia?
CEO Hiểu Em: Bức tranh hiện tại rất giống với những gì đã diễn ra ở Việt Nam giai đoạn 2014-2015. Khi đó, các cửa hàng truyền thống cũng chiếm đến 50% - 60% thị phần và chưa có chuỗi bán lẻ hiện đại nào vượt quá 15% thị phần. Tổng cộng tất cả các nhà bán lẻ hiện đại thời điểm đó sở hữu chưa đến 200 điểm bán.
Điện máy Xanh bắt đầu vào bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ kể từ năm 2015 trở đi. Năm 2016, Điện máy Xanh trở thành nhà bán lẻ hiếm có tại Việt Nam phủ sóng 63/63 tỉnh thành với hơn 250 siêu thị. Doanh thu Điện máy Xanh liên tục tăng trưởng gần như 100% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm sau đó (2015 - 2019). Với việc vượt mốc 1.000 siêu thị, thị phần của Điện máy Xanh đã đạt hơn 35% thị phần vào cuối năm 2019.
Thế Giới Di Động đã góp phần thay đổi cách thức tiêu dùng sản phẩm điện thoại, điện máy ở Việt Nam và chúng tôi tin tưởng Era Blue có thể tái hiện được thành công tương tự ở thị trường Indonesia.
Nhiều người thắc mắc với tiềm năng và cơ hội thị trường lớn như vậy cộng với tiềm lực tài chính và bán lẻ vì sao MWG chọn liên doanh với đối tác là Erajaya mà không đi một mình?
CEO Hiểu Em: Mặc dù đánh giá đây là thị trường tiềm năng nhất khu vực, chúng tôi cũng chọn cho mình hướng đi chắc chắn như cách xưa nay vẫn làm. Thế Giới Di Động đã có kinh nghiệm hơn 15 năm trong ngành bán lẻ, nhưng chúng tôi cũng hiểu khi tiến chân ra biển lớn sẽ có những rào cản nhất định về ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp, tuyển dụng nhân sự…
Những khó khăn này không phải chỉ riêng chúng tôi mới gặp phải. Chắc chắn, chúng cũng từng làm khó nhiều tập đoàn nên đến tận hôm nay, thị trường Indonesia vẫn chưa có nhà bán lẻ ngoại nhập nào thực sự chiếm lĩnh được thị phần đủ lớn.
Hiểu được điều đó và hơn hết là mong muốn "tác chiến thần tốc”, chúng tôi chọn chiến lược đồng hành cùng đối tác địa phương để khai thác tốt nhất lợi thế của các bên, rút ngắn thời gian phát triển và thống lĩnh thị trường điện máy.
Tiếp sau lễ ký kết, mới đây đoàn lãnh đạo cấp cao của Erajaya đã sang thăm và làm việc tại Thế Giới Di Động
Erajaya và Thế Giới Di Động cũng có rất nhiều điểm chung khi cùng là những nhà bán lẻ lớn, quản trị minh bạch và đều niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ cái bắt tay này, liên doanh Era Blue sẽ được tạo đà từ bí quyết kinh doanh mô hình bán lẻ điện máy và năng lực thực thi vượt trội của Thế Giới Di Động cộng với sự am hiểu về thị trường địa phương, uy tín thương hiệu và lợi thế nguồn lực sẵn có của Erajaya.
Ông kỳ vọng thế nào về tương lai của liên doanh này và tiềm năng đóng góp cho sự tăng trưởng của MWG?
CEO Hiểu Em: Trong 5-7 năm tới, với sự bứt phá mạnh mẽ của kênh bán lẻ hiện đại, thị trường điện máy tại Indonesia có thể kỳ vọng đạt mức 9-10 tỷ USD. Mục tiêu của Era Blue là nắm thị phần từ 20% đến 40% và IPO công ty sau 5 năm. Khi đó, việc chiếm từ 20% đến 40% thị phần sẽ mang lại doanh thu ước tính 2-4 tỷ USD cho Era Blue mỗi năm. Nếu làm được như vậy, lợi nhuận đóng góp từ liên doanh này sẽ giúp công ty cổ phần TGDĐ (đơn vị vận hành chuỗi TGDĐ và ĐMX) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm nữa.
Xin cảm ơn ông!