Ông Akif Çağatay Kılıç - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng trì hoãn tư cách thành viên của Phần Lan, Thụy Điển hơn 1 năm. Ảnh: Getty
Tờ Guardian hôm 14/6 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng trì hoãn tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển trong thời gian hơn một năm, trừ khi nhận được các đảm bảo thỏa đáng từ 2 quốc gia Bắc Âu về vấn đề liên quan đến các nhóm người Kurd mà Ankara coi là khủng bố.
Thái độ quyết liệt của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm "trật bánh" một hội nghị thượng đỉnh quan trọng của NATO diễn ra vào ngày 29/6 tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các thành viên của đảng công nhân người Kurd (PKK) - một tổ chức mà Mỹ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố. Đồng thời, Ankara phản đối quyết định của 2 quốc gia Bắc Âu khi ra lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến hoạt động quân sự của Ankara ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ công khai phê phán sự ủng hộ Thụy Điển dành cho các nhóm người Kurd ở miền bắc Syria - bị Ankara cho là có liên kết với PKK. Ankara có kế hoạch tổ chức một cuộc họp ngoài lề về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh NATO.
"Đây là vấn đề lợi ích quốc gia quan trọng và chúng tôi sẵn sàng ngăn cản tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển hơn một năm nếu cần thiết", ông Akif Çağatay Kılıç - Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ kiêm nghị sĩ của đảng Công lý và Phát triển (AKP), cảnh báo.
"Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quy mô quân đội lớn thứ 2 trong NATO và đã cung cấp các máy bay không người lái giúp Ukraine tự vệ. Chúng tôi xứng đáng nhận được sự tôn trọng lớn hơn", ông Akif Çağatay Kılıç nói thêm.
Hôm 10/6, Thụy Điển cố gắng xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đưa ra một bài viết về chính sách đối ngoại, nêu bật sự cần thiết phải chống lại chủ nghĩa khủng bố, và mở ra một con đường để Thụy Điển khôi phục việc xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi những nỗ lực của Thụy Điển trong việc giải quyết các mối quan ngại mà Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng nhận ra rằng cánh cửa "kết nạp nhanh" Phần Lan và Thụy Điển vào NATO đang dần khép lại.