Dân Việt

Toan tính của Nga khi thông báo rút quân ngay trước ngày Mỹ dự đoán Ukraine bị tấn công?

Đăng Nguyễn - RT 16/02/2022 15:26 GMT+7
Khi phương Tây đưa ra những cảnh báo về khả năng Nga tấn công bất cứ lúc nào, Bộ Quốc phòng Nga ngày 15.2 thông báo một số lực lượng quân đội gần biên giới Ukraine bắt đầu rút về căn cứ. Liệu đây có phải là động thái cho thấy căng thẳng hạ nhiệt?

Nga rút các thiết bị quân sự và vũ khí ngày 15.2.

Theo nhận định của báo Nga RT, hoạt động rút quân cùng với tuyên bố sẵn sàng đàm phán của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã thể hiện thành ý của Moscow trong việc hạ nhiệt căng thẳng. Nhưng điều quan trọng là Nga, Mỹ và NATO cần phải đạt được thỏa thuận mang tính lâu dài.

Hôm 15.2, Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, cung cấp video tuyên bố một số lực lượng và vũ khí Nga tham gia tập trận cùng Belarus, gần biên giới Ukraine, đang rút về căn cứ ở Nga.

“Các lực lượng của quân khu phía Nam và phía Tây đã hoàn thành nhiệm vụ, bắt đầu quay trở lại các căn cứ quân sự”, ông Konashenkovnói.

Cuộc tập trận của Nga ở Belarus vẫn sẽ diễn ra cho đến ngày 20.2 và các lực lượng chủ chốt của Nga vẫn hiện diện gần Ukraine. 

img

Xe tăng Nga bắt đầu rút về nước sau khi tập trận ở Belarus.

Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy căng thẳng hạ nhiệt kể từ tháng 11.2021, khi Nga đưa binh sĩ và vũ khí từ những nơi như vùng Siberia, vùng Viễn Đông tới sát Ukraine.

Theo báo Nga RT, Nga muốn thông qua đợt rút quân này, khẳng định rằng các thông tin tình báo mà phương Tây công bố cho đến nay là không chính xác, bao gồm thông tin “Nga có thể tấn công vào ngày 16.2”.

“15.2.2022 là ngày nỗ lực tuyên truyền chiến tranh của phương Tây thất bại”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết. “Phương Tây tự cảm thấy xấu hổ khi Nga chưa bắn một viên đạn nào”.

Mặt khác, Nga vẫn có lực lượng quân sự đáng kể hiện diện ở biên giới Ukraine, trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ và NATO chưa đạt được kết quả.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói hoạt động rút quân diễn ra theo kế hoạch. “Mọi người cứ việc phỏng đoán. Chúng tôi vẫn sẽ hành động theo kế hoạch”, ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hoan nghênh động thái mới, cho rằng các nỗ lực ngoại giao đang có tác dụng. Tuy nhiên, NATO vẫn tỏ ra hoài nghi, yêu cầu Nga rút toàn bộ lực lượng quân sự gần Ukraine.

Quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Nga có thể rút toàn bộ lực lượng quân sự gần Ukraine trong tương lai gần. Nhưng để căng thẳng có thể biến mất vĩnh viễn, không lắng dịu rồi lại đột ngột nóng lên thì Nga và Mỹ, NATO cần đạt được những thỏa thuận cụ thể mang tính lâu dài, báo Nga RT nhận định.

Trong tuyên bố ngày 15.2, ông Putin nói hai yêu cầu chính không thể đàm phán của Nga gồm  Ukraine không được phép gia nhập NATO và NATO phải rút vũ khí khỏi Đông Âu.

Sự thật phát ngôn của Tổng thống Ukraine về thời điểm Nga tấn công

Câu nói của Tổng thống Ukraine đã gây biến động trên thị trường chứng khoán và thị trường dầu mỏ. Phát ngôn viên của Tổng thống Uraine sau đó phải lên tiếng giải thích.

Bấm xem >>