Ở kỳ điều chỉnh gần đây nhất (11/3) liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng/1 lít, RON 95 tăng 2.990 đồng /1 lít, dầu hoả tăng 3.940 đồng/lít, dầu diesel tăng 3.950 đồng/1 lít và dầu mazut tăng 2.520 đồng/1kg.
Cụ thể, tại thị trường Việt Nam, Xăng E5RON92: không cao hơn 28.980 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 29.820 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 25.260 đồng/lít, Dầu hỏa không cao hơn 23.910 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 20.980 đồng/kg.
Tuy nhiên, tai một số tỉnh thành, giá xăng lại tăng lên 31.000 đồng/lít. Nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch này là do sự phân vùng của các đơn vị kinh doanh xăng dầu khi thông báo điều chỉnh giá.
Bảng giá xăng dầu cụ thể của hai vùng trên cả nước trong lần điều chỉnh ngày 11/3. (Ảnh chụp màn hình)
Cụ thể, 44 tỉnh thành và các đảo của Việt Nam được phân vào vùng 2 khi thiết lập giá bán lẻ xăng dầu. Mức giá này cao hơn giá của vùng 1 (bao gồm các tỉnh thành phố còn lại, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM...), và chênh với giá cơ sở tối đa 2%.
Việc phân vùng giá xăng được xem là mức bù chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp khi phải vận chuyển xăng dầu tới các khu vực xa cảng đầu nguồn tiếp nhận, xa đầu mối, xa cơ sở sản xuất...
Xăng dầu mua từ các nhà máy lọc dầu được vận chuyển bằng tàu (hoặc tàu nhập xăng dầu từ nước ngoài về) để đưa lên kho đầu nguồn. từ kho đầu nguồn này, xăng dầu được vận chuyển đường bộ bằng xe bồn đến các cửa hàng xăng dầu. Rõ ràng, cửa hàng cách 50km hay 100km thì chi phí vận chuyển sẽ khác so với cửa hàng cách 200km.
Hoạt động này từng được áp dụng trước năm 2008, nhưng gián đoạn khi Bộ Công Thương có quyết định bãi bỏ vào tháng 9/2008. Sau đó, quy định phân vùng được tái thực hiện.