Theo báo cáo, người dùng Xiaomi hiện đã vượt qua mốc 500 triệu và đưa công ty nằm “chung mâm” với các đối thủ như Samsung và Apple. Cơ sở người dùng Xiaomi lớn sẽ cho phép công ty thiết kế nhiều sản phẩm hơn, tạo cơ hội kiếm tiền tốt hơn cho thương hiệu và bán nhiều sản phẩm IoT hơn.
Để đạt được thành công này, Xiaomi đã hoạt động khá hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau và từng bước đưa thương hiệu này lên tầm cao mới. Nếu còn nhớ, 10-11 năm trước, Xiaomi chỉ được coi là một nhà sản xuất smartphone giá rẻ. Thêm vào đó, công ty có thể kiếm tiền chỉ ở một số thị trường, chẳng hạn như Trung Quốc.
Giờ đây, Xiaomi trở thành công ty số 1 tại Trung Quốc và tìm thấy chìa khóa thành công ở nhiều khu vực khác, chẳng hạn như Ấn Độ. Tại các thị trường đó, Xiaomi không chỉ bán smartphone mà còn cung cấp các dịch vụ khác nhau (công nghệ tài chính, thương mại điện tử,…) và các sản phẩm IoT.
Trong khi Huawei trước khi bị lệnh cấm đã tìm cách chiếm thị phần lớn hơn ở Mỹ và nhiều thị trường cao cấp tương tự thì Xiaomi lại khác khi công ty lại tập trung vào những khu vực khác. Đó không chỉ là châu Âu mà còn có châu Phi và nhiều nước Nam Á. Trong số này, Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng khi Xiaomi trở thành một trong số ba OEM lớn nhất trong quý 1/2022.
Báo cáo của Counterpoint Research cho thấy, “dịch vụ internet” của Xiaomi đạt doanh thu 4,16 tỷ USD trong năm 2021. Đồng thời, trong báo cáo, người dùng Xiaomi hoạt động hàng tháng (sử dụng MIUI) đạt 508,9 triệu khi tính đến tháng 12/2021. Hai bộ phận này của Xiaomi tăng trưởng ổn định trong vài năm qua.
Cũng theo báo cáo, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) của Xiaomi tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực. Trong thị trường smartphone, ARPU cho phân khúc cao cấp cao hơn so với phân khúc giá rẻ hơn. Đó là lý do tại sao Xiaomi đang tập trung cung cấp smartphone cao cấp cho thị trường Trung Quốc nhiều hơn so với các thị trường khác. Công ty xem đây là chiến lược giúp họ cung cấp các khoản trợ cấp cho việc kinh doanh bán hàng ở các thị trường khác, vốn đặt mục tiêu tăng doanh số thay vì lợi nhuận.
Việc Google đóng vai trò thống trị tại các thị trường toàn cầu khiến hơn 80% doanh thu dịch vụ internet của Xiaomi bắt nguồn từ Trung Quốc. Điều này phần lớn đến từ các quảng cáo. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Xiaomi tập trung vào cách tiếp cận kiếm tiền khác tại các thị trường ngoài Trung Quốc, bao gồm công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử hay các dịch vụ có thể tận dụng kết hợp giữa MIUI với các sản phẩm IoT tiêu dùng khác.
Một lưu ý cần nhớ rằng, Xiaomi không chỉ được biết đến là công ty cung cấp các smartphone giá rẻ mà còn bán rất nhiều sản phẩm tiêu dùng khác. Tận dụng lợi thế hệ sinh thái này là lý do giúp Xiaomi mở rộng số lượng người dùng hướng đến các mục tiêu kinh doanh rộng lớn hơn.