Dân Việt

“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn hé lộ về dự án tài chính hút 10 tỷ USD

Hồng Hương 19/02/2022 13:29 GMT+7
Mới đây, chia sẻ tại một sự kiện, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, nhà đầu tư Mỹ đã đồng ý rót 10 tỷ USD vào các dự án trung tâm tài chính quốc tế ở TP. HCM và Đà Nẵng.

Theo lời Chủ tịch IPPG, các nhà đầu tư Mỹ "rất quan tâm đến đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM". Tập đoàn này đã làm việc với một số đơn vị tư vấn lớn của Mỹ để xây dựng đề án quy hoạch trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng, sẽ bàn giao cho chính quyền địa phương khi hoàn thành. 

"Chúng tôi đã làm việc từ năm 2016 đến nay, và hiện đã có kế hoạch, lộ trình về việc cần có một trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP. HCM và Đà Nẵng. "Đơn hàng" nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu" - ông nói.

img

Chủ tịch IPPG giới thiệu về đề án trung tâm tài chính với số tiền 10 tỷ USD từ nhà đầu tư Mỹ

Chủ tịch IPPG cho biết, đề án này sau đó được xây dựng theo hướng mở từng bước, và theo Nghị quyết 128, trung tâm tài chính quốc tế sẽ được đặt tại TP. HCM và trung tâm tài chính khu vực đặt tại Đà Nẵng, với những bước đi cụ thể, chi tiết… để trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và trình Quốc hội thông qua.

"Đề án của chúng tôi sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ và có tính khả thi rất cao. Nếu được thông qua, theo những gì và phía nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu, trước mắt họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỷ USD ở Đà Nẵng và 6 tỷ USD ở TP. HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế" - doanh nhân này tiết lộ.

Đặc biệt, sau khi xong hoàn toàn đề án, doanh nghiệp sẽ bàn giao cho TP. HCM và kết hợp với những đề án mà thành phố đã nghiên cứu, để tiến hành đầu thầu công khai, minh bạch trước khi triển khai.

"Thực tế, trung tâm tài chính đã được các nhà đầu tư Mỹ đề xuất cách đây 6 năm, từ năm 2016, và thời gian là vàng nên nếu chậm thì Việt Nam sẽ mất cơ hội tuyệt vời để đẩy nhanh thành nước phát triển năm 2045" - doanh nhân được mệnh danh là "Vua hàng hiệu" nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông cho biết ngoài 10 tỷ USD, các DN Mỹ mà doanh nghiệp ông cùng làm việc sẵn sàng đầu tư nhiều khu du lịch, vui chơi giải trí có thương hiệu toàn cầu như Disneyland, Universal Studios, Sea World tại Việt Nam. Riêng tại TPHCM, nhà đầu tư Mỹ muốn xây dựng Disneyland.

Phía Mỹ đã có những quyết định quan trọng. Cụ thể, Mỹ xác định 6 trung tâm nổi tiếng thế giới là Disneyland, Marvel, Universal, Sea World, Knotts và SixFlags. Các nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm, gửi thông tin đề nghị đưa Disney vào TP. HCM với ước tính đưa vào được 25 triệu khách du lịch. Nếu đưa Universal vào Hà Nội cũng sẽ có thể 25 triệu khách. Còn đưa Sea World vào Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) thì cũng có được 20 triệu khách/năm. Như vậy, nếu chỉ đưa 3 trung tâm vào hoạt động thì Việt Nam đã đón thêm được đến 70 triệu khách du lịch mỗi năm.

Góp ý cho đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM, PGS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế TPHCM, cho rằng cần phải có cơ chế chính sách đột phá, trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM mới có thể thu hút được doanh nghiệp "đại bàng" lựa chọn đầu tư thay vì những trung tâm khác trong khu vực. Ông cũng cho rằng ngoài hoạt động tài chính, cần có các hoạt động dịch vụ đi kèm để thu hút nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch thì cho rằng, bản thân ông đã đồng hành với chính quyền TPHCM trong việc nghiên cứu đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế trong gần 20 năm qua. Nếu muốn thành công, trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM phải thật sự đột phá. Tuy nhiên, đột phá ở mức nào, trung tâm tài chính mở đến mức độ nào sẽ còn cần phải tính toán cẩn thận.