Dân Việt

Ukraine từng sở hữu vũ khí hạt nhân như thế nào?

Đăng Nguyễn - Sputnik 21/02/2022 21:10 GMT+7
Ít người biết rằng, Ukraine từng sở hữu tới 3.000 vũ khí hạt nhân sau thời Liên Xô, nhưng có thể sử dụng kho vũ khí đồ sộ này hay không lại là vấn đề khác.

img

Ukraine chính thức từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine đã kế thừa một lượng lớn vũ khí hạt nhân. Năm 1994, Ukraine đã tham gia vào Bản ghi nhớ Budapest và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại sự bảo đảm về mặt an ninh.

Hôm 19.2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo về việc nước này có thể đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân.

"Giờ đây, chúng tôi vừa không có vũ khí, vừa không có an ninh", ông Zelensky nói tại Hội nghị An ninh Munich. "Nếu không có động thái hoặc quyết định cụ thể nào được thực hiện liên quan đến đảm bảo an ninh cho chúng tôi, Ukraine không còn bị ràng buộc bởi các điều khoản ký năm 1994”.

Theo báo Nga Sputnik, lời cảnh báo của ông Zelensky có thể chỉ nhằm thu hút sự chú ý, bởi không rõ liệu Ukraine có đủ năng lực cả về vật chất và kỹ thuật để chế tạo vũ khí hạt nhân hay không.

“Theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), chỉ những quốc gia đã phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới được phép sở hữu vũ khí hạt nhân và Ukraine không nằm trong số này”, Alexander Umarov, tổng biên tập cổng thông tin công nghiệp điện hạt nhân AtomInfo ở Nga, nói.

Ukraine đơn phương phát triển vũ khí hạt nhân đồng nghĩa rút khỏi NPT và sẽ đối mặt với sự phản đối của cộng đồng quốc tế, theo Sputnik.

Nhóm các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã cam kết không cung cấp nguyên vật liệu hạt nhân cho các nước không ký hiệp ước NPT.

“Trong trường hợp rút khỏi NPT, Ukraine thậm chí còn không có nhiên liệu để nhà máy điện hạt nhân duy trì hoạt động”, ông Umarov nói.

“Nỗ lực chế tạo bom hạt nhân chỉ càng khiến Ukraine rơi vào tình cảnh tồi tệ hơn bây giờ, đối mặt với việc bị cộng đồng quốc tế cô lập”, Sputnik dẫn lời các nhà quan sát.

Ukraine từng sở hữu tới 3.000 vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô sụp đổ, bên cạnh Belarus và Kazakhstan. Tuy nhiên, số vũ khí hạt nhân này chỉ giống như được “gửi nhờ”, vì Kiev chưa bao giờ nắm toàn quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân. Mã phóng và cách thức phóng tên lửa hạt nhân vẫn do Nga kiểm soát.

“Ukraine không thể ngăn việc nước này phải giao nộp toàn bộ số vũ khí hạt nhân, do không có khả năng sử dụng và ngày nay cũng không thể sở hữu vũ khí hạt nhân”, tiến sĩ Mark Gubrud, chuyên gia tại Đại học North Carolina (Mỹ), nói.

Vũ khí hạt nhân Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô đã bị Nga vô hiệu hóa khiến chúng không thể hoạt động, Cheryl Rofer, một nhà khoa học Mỹ và chuyên gia trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, nói.

Theo ông Rofer, nếu muốn sử dụng vũ khí hạt nhân thừa hưởng từ thời Liên Xô, Ukraine phải “hack” được hệ thống khai hỏa tên lửa hoặc chế tạo các tên lửa hạt nhân mới sử dụng đầu đạn hạt nhân có sẵn.

Ông Rofer nhấn mạnh, nguyên tố Triti trong các đầu đạn hạt nhân có chu kỳ bán rã chỉ 12 năm và cần được thay thế thường xuyên, trong khi Nga không cung cấp nguyên liệu cho Ukraine.

Do đó, trong trường hợp không muốn bàn giao vũ khí hạt nhân, Ukraine cũng không có cách nào sử dụng kho vũ khí thừa hưởng từ thời Liên Xô.