Dân Việt

Lầu Năm Góc nói gì về vụ thử tên lửa đạn đạo khổng lồ của Nga?

Nguyễn Thái - RT 21/04/2022 11:25 GMT+7
Mỹ coi vụ thử tên lửa đạn đạo Sarmat của Nga không phải là mối đe dọa. Lầu Năm Góc đã lên tiếng giải thích về điều này.

img

Mỹ không coi vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Nga là động thái gây đe dọa. Ảnh: Al Jezera

Theo RT, Lầu Năm Góc tuyên bố, tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat Nga mới phóng là một vụ thử nghiệm thông thường và không phải là động thái gây đe dọa với Mỹ. 

Lầu Năm Góc không bất ngờ về việc này vì Moscow đã báo trước cho Washington về vụ thử tên lửa Sarmat, theo các điều khoản của hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện có. 

"Nga đã thông báo cho Mỹ về vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa theo hiệp ước New Start", John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên chiều 20/4. Ông Kirby còn cho biết, vụ thử tên lửa Sarmat của Nga là bình thường và Bộ Quốc phòng Mỹ không coi đây là "mối đe dọa". 

Tên lửa Sarmat mới được phóng từ sân bay quân sự Plesetsk vào sáng 20/4 (giờ địa phương). Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là "một sự kiện có ý nghĩa quan trọng" với nước Nga. 

"Loại vũ khí độc đáo này sẽ tăng cường tiềm lực cho các lực lượng vũ trang của chúng ta, đảm bảo an ninh cho nước Nga trước các mối đe dọa bên ngoài và cảnh báo những kẻ cố đe dọa nước Nga bằng những luận điệu hung hăng", ông Putin nói. 

Tổng thống Nga nói thêm, tên lửa Sarmat có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ hiện đại và sẽ phải khá lâu mới có một loại tên lửa tương tự xuất hiện. 

Tên lửa Sarmat phóng từ Plesetsk và bay qua toàn bộ chiều dài nước Nga trước khi rơi trúng mục tiêu ở bán đảo Kamchatka, vùng viễn đông Nga. Moscow dự kiến hoàn thành các cuộc thử nghiệm tên lửa Sarmat vào cuối năm nay. Sau đó, tên lửa đạn đạo liên lục địa này sẽ được chính thức trang bị cho các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga. 

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa Sarmat được sản xuất để thay thế các tên lửa đạn đạo liên lục địa cũ R-36 "Voevoda". Sarmat mang khối lượng đầu đạn lớn hơn các tên lửa cũ và có thể mang theo đầu đạn siêu thanh mới.