Trong phiên cuối tuần (20/5), chỉ số VN-Index chấm dứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp khi quay đầu giảm nhẹ 0,93 điểm, kết phiên ở mức 1.240,71 điểm; chỉ số HNX-Index cũng ghi nhận mức giảm 1 điểm, dừng chân ở mức 307,02 điểm.
Xét cho cả tuần giao dịch từ ngày 16 đến 20/5, chỉ số VN-Index tăng tổng cộng 57,94 điểm ( 4,9%); HNX-Index tăng 4,63 điểm ( 1,53%). Trái ngược với đà phục hồi của thị trường chứng khoán sau chuỗi ngày lao dốc trước đó, khối tài sản của đại gia Nguyễn Đức Thụy Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) và là người sáng lập CTCP Thaiholdings (THD) ghi nhận mức giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đó, trong tuần giao dịch từ 16 đến 20/5, mã cổ phiếu THD có chuỗi 5 phiên giao dịch giảm mạnh liên tiếp ghi nhận mức giảm tới 28.500 đồng/cổ phiếu để đóng cửa ở mức giá 56.000 đồng/cổ phiếu tương đương mức giảm 33,73%. THD cũng là mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh nhất trên HNX-Index trong tuần giao dịch.
Trong khi đó, mã cổ phiếu LPB chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ 1.650 đồng/cổ phiếu so với giá kết phiên cuối tuần trước. Với đà lao dốc của THD, khối tài sản của bầu Thụy ghi nhận mức giảm tới hơn 2.400 tỷ đồng trong tuần giao dịch từ ngày 16-20/5.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5, khối tài sản bầu Thụy đang trực tiếp nắm giữ chỉ còn hơn 4.894 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bầu Thụy thậm chí đã bật khỏi Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau phiên giao dịch ngày 20/5.
So với mức giá đỉnh gần đây của THD là 117.800 đồng/cổ phiếu thiết lập trong phiên giao dịch ngày 29/4, chỉ tính riêng khối tài sản của bầu Thụy ở mã cổ phiếu này đã ghi nhận mức giảm mạnh hơn 5.400 tỷ đồng, tương đương mức giảm tới 52% chỉ sau chưa đầy 1 tháng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chấm dứt chuỗi 6 tuần giảm điểm liên tiếp
Trong khi đó, với đà phục hồi của chỉ số VN-Index và HNX-Index trong tuần giao dịch từ 16-20/5, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SHS đánh giá sau sáu tuần căng thẳng với đà giảm liên tiếp của thị trường, nhà đầu tư đã có thể thoải mái hơn khi VN-Index hồi phục trong tuần qua tuy vẫn với thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn còn dè dặt trong việc tham gia trở lại thị trường.
Theo SHS, ở góc nhìn về phân tích kỹ thuật cũng đang có sự ủng hộ nhất định cho xu hướng hồi phục của thị trường với việc chỉ số VN-Index lấy lại ngưỡng 1.200 điểm trong tuần qua để xác nhận kết thúc sóng điều chỉnh a và bước sang sóng hồi phục b với target theo lý thuyết gần nhất quanh ngưỡng 1.300 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng điều chỉnh a). Tuy nhiên, nếu thị trường suy yếu trở lại và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng tăng 5) thì thị trường sẽ một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh a.
Định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E của VN-Index và VN30 chỉ quanh mức 13 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất. Và nếu tính P/E Forward cho năm 2022 thì mức định giá lại càng trở nên hấp dẫn hơn.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đánh giá tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VNMidcap, VNSmallcap được cải thiện lên mức Trung tính sau phiên tăng điểm. Trong khi đó, tín hiệu của VN-Index, VN30 và HNX-Index vẫn được giữ ở trạng thái Tiêu cực.
VCSC dự báo trong phiên giao dịch tới, việc chưa vượt qua kháng cự MA10 ngày có thể thúc đẩy lực bán chốt lãi gia tăng và tạo nên áp lực điều chỉnh giảm cho VN-Index. Theo đó, chỉ số này có thể sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ MA5 tại 1.225 điểm.
Nếu lực bán không lớn và lực mua từ hỗ trợ đủ mạnh, giúp VN-Index hồi phục lại, thậm chí vượt lên trên kháng cự MA10 tại 1.242 điểm, chỉ số này sẽ tiếp diễn đà hồi phục hướng lên kháng cự tiếp theo tại 1.290 điểm. Ngược lại, nếu VN-Index không duy trì được hỗ trợ 1.225 điểm khi đóng cửa, chỉ số nhiều khả năng sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ đáy gần nhất quanh 1.150 điểm.