Dân Việt

Người Hà Nội “chơi lớn” chi trăm triệu mua xe đạp hàng hiệu đi làm

Châu Dương 21/07/2022 04:55 GMT+7
Những chiếc xe đạp gấp hàng hiệu có giá trung bình từ 50 triệu – 150 triệu đồng/chiếc. Rất nhiều bạn trẻ dân văn phòng đã gia nhập thú chơi đắt đỏ này trong thời điểm xăng liên tục tăng giá.

Thời gian vừa qua, xăng liên tục tăng giá kéo theo nhiều thay đổi về giá cả thị trường và thói quen sinh hoạt của người dân. Trong đó, việc sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển thay thế xe máy và ô tô đang được coi là trào lưu mới, đặc biệt của giới văn phòng.

Những chiếc xe đạp phổ thông có giá dao động từ 3 triệu – 10 triệu đồng/chiếc phù hợp với túi tiền của phần lớn người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều người không chỉ coi xe đạp là phương tiện di chuyển mà còn coi đây là một thú chơi.

img

Không chỉ dừng lại ở mức độ một chiếc xe phục vụ đi lại, xe đạp gấp giờ đây đã nâng tầm thành một trong những thú chơi của người có tiền. (Ảnh: Đông Hải)

img

Trung bình, một chiếc xe đạp gấp hàng hiệu có giá tối thiểu từ 50 triệu đồng và hơn 150 triệu đồng cho phiên bản đặc biệt. (Ảnh: Do Dau)

Giống như nhiều thú chơi khác, có rất nhiều hội nhóm được thành lập trên các trang mạng xã hội, thời gian gần đây số thành viên trong các hội nhóm này mỗi ngày một tăng lên khi đạp xe trở thành một xu hướng mới giữa thời điểm xăng liên tục tăng giá

Những người chơi theo đuổi bộ môn này thường không tiếc tiền để sở hữu một chiếc xe “sang – xịn – mịn”, trong đó rất nhiều người ưa chuộng các thương hiệu xe đạp lâu đời của Anh.

Đây là những chiếc xe đạp gấp khá “khó tính” vì ít phụ tùng thay thế và yêu cầu kiến thức chuyên môn, đam mê mới có thể chơi được. Trung bình, một chiếc xe đạp gấp hàng hiệu có giá tối thiểu từ 50 triệu đồng và hơn 150 triệu đồng cho phiên bản đặc biệt.

Anh Việt Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chơi dòng xe này từ 3 năm trước, thời điểm đó, anh là một trong số ít những người chơi ở Hà Nội sở hữu một chiếc xe đạp gấp đến từ thương hiệu nước ngoài. Ban đầu, anh Cường chỉ mua xe với mục đích để di chuyển, tập thể dục, nhưng càng sử dụng anh càng thấy loại phương tiện này còn thể hiện phong cách sống của chủ nhân.

“Thời gian gần đây, hội nhóm xuất hiện thêm nhiều thành viên mới có chung đam mê, tôi rất vui. Giống như nhiều thú chơi khác, chúng tôi cũng có những buổi gặp mặt thường niên để giao lưu chia sẻ về xe” – Anh Việt Cường cho biết.

img

Xe đạp gấp thu hút người chơi bởi ngoại hình nhỏ gọn, có thể gấp gọn xách trên tay, mang lên tàu điện ngầm, xe bus… (Ảnh: Brompton Vietnam)

img

Màu sắc phong phú có thể phối với nhiều loại trang phục nếu là người sành chơi. (Ảnh: Gia Tran Hoang)

Theo anh Cường, loại xe đạp gấp thu hút người chơi vì ngoại hình độc lạ, màu sắc phong phú, khác biệt có thể phối với nhiều loại trang phục nếu là những người sành chơi. Ngoài ra xe đạp gấp được nhiều người tìm mua vì sự thú vị mà nó mang lại, bởi đang đi bình thường trên đường nhưng thoáng chốc nó cũng có thể “biến hình” nhỏ gọn cầm được trên tay, cùng chủ nhân leo lên xe bus, tàu điện…

Sở dĩ xe có giá cao là bởi mỗi chiếc xe đều có khung làm từ thép cường độ cao, với những mối hàn được thực hiện bởi người thợ thủ công lành nghề với công nghệ độc quyền. Mỗi chiếc xe sau khi rời khỏi Anh đều có số khung, xuất xứ và số thứ tự, ngày sản xuất được khắc trên xe. Không những thế để có mặt tại Việt Nam, xe hoàn toàn phải thông qua con đường xách tay.

Không chỉ đắt đỏ khi mua mới, dòng xe này còn mang tính sưu tầm cao, nhất là với màu sắc của xe. Ngoài màu đen, xanh tím than, trắng… thì một số màu khác của xe sẽ chỉ được ra trong một vài năm, rồi sau đó sẽ không bao giờ ra thêm nữa.

img

Phụ tùng xe đạp gấp tương đối đắt đỏ và hiếm tìm, hàng tháng chủ nhân của những chiếc xe này thường phải chi vài triệu đồng để bảo dưỡng. (Ảnh: Đông Hải)

Nếu một người thích phiên bản màu đã ngừng sản xuất thì có thể phải bỏ ra số tiền nhiều gấp 3-5 lần để mua xe cũ, với đúng màu đó. Có những trường hợp, giá trị mua lại thậm chí cao gấp 7 lần ban đầu nếu chiếc xe đó đã ngừng sản xuất.

Người chơi xe đạp gấp hàng hiệu thường chia ra nhiều kiểu chơi, có người thích săn số thứ tự đẹp, màu độc chỉ để trưng bày trong nhà, có khi lại thích mua một chiếc xe về, lắp thêm đồ hiệu hoặc thay đổi theo ý thích.

Một vài người mua xe đạp gấp, sau đó về lại thích “ép cân” cho xe bằng cách thay lại các bộ phận bằng cacbon để xe nhẹ nhất có thể. Một số khác lại thích lắp thêm đồ hiệu, có những trường hợp chiếc xe chỉ còn mỗi phần khung là nguyên bản. Những cách chơi đặc biệt như vậy có thể sẽ khiến chủ nhân tiêu tốn khoảng 300 triệu hoặc hơn thế nữa cho một chiếc xe.

Thú vui chơi xe đạp gấp cũng có một số khó khăn, trong đó có việc đi tìm phụ tùng thay thế vừa hiếm vừa vô cùng đắt đỏ. Những chợ trao đổi phụ tùng dành riêng cho dòng xe này cũng có, nhưng chủ yếu do người chơi nâng cấp xe muốn bán lại đồ, nếu muốn có được, người mua phải chịu khó tìm tòi, đôi khi là đánh liều chịu rủi ro chuyển khoản cho người bán rồi đợi hàng về.