Tiêm kích F-35 của Anh sau khi được trục vớt.
Hình ảnh cho thấy chiếc F-35 nằm ngửa, phơi bụng trên một tàu chiến sau khi hoạt động trục vớt thành công. Chiếc F-35 chịu nhiều hư hại, để lộ các linh kiện điện tử bên trong thân, nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
Xác máy bay sau đó được đưa đến một căn cứ ở Địa Trung Hải để đánh giá thiệt hại. Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh không phủ nhận bức ảnh mà tờ Daily Mail đăng tải.
“Hoạt động trục vớt tiêm kích F-35 đã thành công và kết thúc vào tháng 12.2021. Chúng tôi vẫn đang điều tra nguyên nhân tai nạn và sẽ thông báo vào thời điểm thích hợp”, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Mẫu tiêm kích trị giá 130 triệu USD do Anh mua từ Mỹ gặp nạn vào tháng 11.2021. Anh, Mỹ và các đồng minh sau đó đã mở chiến dịch trục vớt, phong tỏa khu vực máy bay rơi ở Địa Trung Hải nhằm ngăn bí mật quân sự rơi vào tay Nga.
Trước đó, video rò rỉ trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, cho thấy chiếc F-35 di chuyển chậm, không đạt tốc độ cần thiết để có thể cất cánh. Ngay trước khi máy bay rơi xuống biển, phi công đã kích hoạt ghế phóng khẩn cấp để thoát ra ngoài an toàn.
Nguyên nhân sự cố được cho là do tấm bạt che mưa bằng nhựa đã vô tình bị hút vào động cơ máy bay. Các thủy thủ sau đó tìm thấy tấm bạt che động cơ màu đỏ tại vùng biển nơi máy bay rơi.
Tháng 1.2022, một chiếc F-35A của không quân Hàn Quốc gặp sự cố khi đang bay trên trời, khiến phi công phải hạ cánh máy bay bằng bụng. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy một con chim đã bị cuốn vào cửa hút gió bên trái gây sự cố. Nhưng không rõ vì sao hệ thống điện tử và càng đáp của chiếc F-35A sau đó không hoạt động,
Hàn Quốc đặt mua 40 tiêm kích F-35A của Mỹ vào năm 2014, nhận lô hàng đầu tiên sau đó 5 năm.