Dân Việt

Đức đứng trên “bờ vực” khẩn cấp về khí đốt

Đăng Nguyễn - RT 22/06/2022 11:30 GMT+7
Đức đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt, báo Đức Die Welt ngày 21.6. dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.

img

Đức gặp nhiều khó khăn sau khi Nga giảm 60% lưu lượng khí đốt cung cấp cho nước này.

Theo báo Đức, giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt có thể bắt đầu được áp dụng trong 5-10 ngày tới. 

Theo kế hoạch 3 giai đoạn của Bộ Kinh tế Đức, giai đoạn khẩn cấp được kích hoạt khi “nguồn cung cấp khí đốt bị gián đoạn hoặc nhu cầu khí đốt đặc biệt cao dẫn đến tình hình cung cấp khí đốt trở nên xấu đi đáng kể, nhưng thị trường vẫn có thể đối phó với sự gián đoạn này mà chưa cần thực hiện các biện pháp điều tiết”.

Hiện chưa rõ giai đoạn 2 của biện pháp khẩn cấp sẽ bao gồm các hoạt động gì. Cuối tuần trước, Đức đã công bố một loạt các biện pháp khẩn cấp, trong đó có tăng sử dụng than để đáp ứng nhu cầu năng lượng do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm.  

Cơ quan quản lý khí đốt Đức Bundesnetzagentur gần đây đã phác thảo chi tiết về hệ thống đấu giá sẽ được áp dụng trong thời gian tới nhằm mục đích giảm tiêu thụ khí đốt giữa các nhà sản xuất. 

Bundesnetzagentur đặc biệt quan ngại về vấn đề nguồn cung khí đốt giảm sẽ kéo dài qua cả mùa đông năm nay. Giám đốc điều hành của công ty năng lượng lớn nhất của Đức, Markus Krebber, ám chỉ về một viễn cảnh tồi tệ “Hiện tại, chúng ta không có bất kì kế hoạch nào ở cấp độ châu Âu để phân phối lại khí đốt trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt hoàn toàn”, ông nói.

img

Đường ống khí đốt Nord Stream với điểm đầu ở Nga và điểm cuối ở Đức.

Tuần trước, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã giảm 60% lưu lượng khí đốt cung cấp cho Đức. Gazpprom viện dẫn vấn đề kỹ thuật khiến hoạt động cung cấp khí đốt cho châu Âu bị gián đoạn, nhưng Đức cho rằng Nga có “động cơ chính trị”.

“Đây là cuộc khủng hoảng do châu Âu tạo ra”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. “Chúng tôi có khí đốt luôn sẵn sàng, nhưng châu Âu phải giao lại cho chúng tôi các trang thiết bị (đang bị giữ lại ở Canada)”.

Trong trường hợp xấu nhất, Đức sẽ phải tăng giá bán khí đốt tới người dùng cuối, khiến chi phí sinh hoạt của người dân tăng cao. Chính phủ Đức cũng sẽ trực tiếp quản lý hoạt động phân phối khí đốt để tránh sự mất cân bằng trên thị trường.