Ông Putin (phải) và thái tử Mohammed bin Salman tại hội nghị G20 ở Argentina năm 2018.
Cuộc điện đàm diễn ra 6 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Ả Rập Saudi, gặp thái tử Mohammed bin Salman (MbS).
Cuộc điện đàm cũng phản ánh vị thế quan trọng của quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông trong quan hệ với Mỹ và Nga, theo Reuters.
“Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận chi tiết về tình hình thị trường dầu mỏ, tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ nhóm OPEC ”, Điện Kremlin nói về nội dung cuộc điện đàm.
“Chúng tôi cảm thấy hài lòng khi các quốc gia trong nhóm OPEC luôn hoàn thành nghĩa vụ để duy trì sự cân bằng và ổn định cần thiết trên thị trường năng lượng toàn cầu”, Điện Kremlin nhấn mạnh.
Theo Reuters, ông Biden kết thúc chuyến thăm Ả Rập Saudi mà không đạt được thỏa thuận trong lĩnh vực dầu mỏ. Thái tử MbS đã khẳng định lập trường rằng nước này sẽ không tăng sản lượng dầu mỏ vượt mức 13 triệu thùng/ngày. Trước chuyến thăm của ông Biden, Ả Rập Saudi đã cam kết tăng dần sản lượng lên mức nêu trên cho đến năm 2027.
Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi, nói dầu mỏ không nằm trong vấn đề thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Ả Rập Saudi và nhóm OPEC sẽ tiếp tục đánh giá tình hình thị trường. Nhóm OPEC dự kiến sẽ có cuộc họp vào ngày 3.8.
Trước đó, vào ngày 2.6, OPEC , với 13 thành viên OPEC và 10 nước ngoài OPEC dẫn đầu là Nga, đã đồng ý tăng sản lượng dầu mỏ, giúp phần nào kiềm chế giá dầu.
Theo nguồn tin của Reuters, Ả Rập Saudi đã tham vấn kỹ lưỡng với Nga trước khi thống nhất về việc tăng sản lượng vào ngày 2.6.
Ả Rập Saudi muốn dựa vào Nga để cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu, trong khi Nga được hưởng lợi khi là thành viên của OPEC , trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm buộc Moscow ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.