Đặt mua 5kg cam của một cửa hàng quen, chị Tố Liên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) không khỏi giật mình vì giá cam tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước Tết.
“Trước Tết tôi mua có 15 nghìn đồng/kg mà hiện tại phải mua với giá 50 nghìn đồng/kg. Tin tưởng chỗ quen nên không hỏi giá, lúc thanh toán tiền mới giật mình. Biết đắt vậy tôi mua ổi, táo về ăn cho rẻ mà lượng vitamin cũng tương đương”, chị Liên nói.
Cam sành hiện tại có giá 40-50 nghìn đồng/kg.
Cũng mua cam với giá 40 nghìn đồng/kg, chị Thanh Hà (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, mới cách đây 5 ngày, giá cam chỉ 25 nghìn đồng/kg mà hiện tại chị phải mua cao hơn 15 nghìn đồng/kg. Mặc dù giá cao nhưng chị vẫn mua về vắt nước cho cả nhà uống, tăng cường sức khoẻ.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài cam sành, các loại hoa quả có múi, giàu vitamin C cũng đang được bán với giá cao hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Cụ thể, cam lòng vàng có giá 50 nghìn đồng/kg; cam bóc Quỳ Hợp có giá 25 nghìn đồng/kg; quýt đường 60 nghìn đồng/kg; bưởi da xanh từ 30-50 nghìn đồng/quả; bưởi Năm Roi có giá từ 20-25 nghìn đồng/quả…
Ngoài cam sành, cam lòng vàng cũng được nhiều người tìm mua dù giá cao.
Chia sẻ về lí do giá cam tăng cao, chị Phượng chủ cửa hàng bán hoa quả tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, không chỉ người tiêu dùng phải mua cam với giá cao mà người đi cắt cam tại vườn như chị cũng phải chấp nhận một ngày cam tăng lên 15 giá.
“Hôm qua nhà tôi cắt tại vườn giá 16 nghìn đồng/kg nhưng hôm nay lên cắt, họ báo giá 32 nghìn đồng/kg. Một đêm tăng 15 giá thì buôn làm sao được”, chị Phượng ngao ngán.
Đi xe từ Hà Nội lên Hà Giang để mua cam tận vườn về bán, cả đi cả về gần 1.000 km. Tuy nhiên, mỗi ngày vườn báo một giá khiến chị Phượng trở tay không kịp.
Giá cam tại vườn cũng tăng hàng chục giá một ngày.
Trót lên tới Hà Giang nên chị đành ngậm ngùi mua vài tấn về trả khách ngày hôm nay. Từ ngày mai chị phải nghỉ bán cam.
“Giá cao quá mình bán cũng ngại với khách. Khách thì toàn khách quen, bán giá thấp thì mình phải bù lỗ mà bán giá cao quá thì không hay. Thôi, tôi chịu không bán cam nữa, quay ra bán mỗi ổi và dừa thôi, giá bình ổn mà cũng tốt cho sức khoẻ”, chị Phượng thở dài.
Ngoài ra, lý do khiến cam tăng giá một phần vì dịch bệnh, một phần là vì đây là thời điểm cuối vụ. Đa phần các nhà vườn không còn cam để bán do đã bán từ đầu vụ hoặc ra Tết, sương muối và mưa phùn nhiều khiến cam rụng gần hết.
Hàng khan hiếm trong khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao đã khiến giá cam ngày một tăng mạnh.