Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết giá thép đang tiếp tục tăng do các yếu tố đầu vào như than mỡ luyện cốc, thép thế… đều tăng mạnh trên thị trường thế giới.
Cụ thể, từ đầu tháng 3 đến nay, các hãng thép đã có nhiều lần điều chỉnh giá. Mới đây, thép của Tập đoàn Hòa Phát đã thông báo tăng 600.000 đồng/tấn với thép cây và théo cuộn xây dựng. Nguyên nhân là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng và tập đoàn này quyết định tăng giá bán sản phẩm.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia giao dịch ở mức 627 USD/tấn, tăng mạnh 235 USD so với đầu tháng Hai vừa qua. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ năm 2021 đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép.
Giá quặng sắt loại (62% Fe) giao dịch ở mức 162-162,50 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 12 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 2/2022.
Giá HRC ở mức 890 USD/tấn CFR cảng Đông Á, tăng khoảng 90 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2/2022. Nhìn chung, thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ GTVT cho tạm dừng một số dựng án do giá vật liệu xây dựng tăng đột biến.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án ra soát tổng mức đầu tư các dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trường hợp tổng mức đầu tư bước dự án đầu tư vượt quá tổng mức đầu tư đã phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư, các đơn vị đề xuất giải pháp xử lý theo hướng: Tạm dừng chủ trương đầu tư các dự án chưa quá cấp thiết để tập trung nguồn vốn triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm.
Phân kỳ, điều chỉnh phạm vi, quy mô dự án hoặc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách địa phương, bảo đảm phần vốn ngân sách Trung ương trong tổng mức đầu tư bước dự án đầu tư không vượt quá phần vốn ngân sách Trung ương trong tổng mức đầu tư tại quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với các dự án chưa được quyết định chủ trương, Bộ GTVT yêu cầu rà soát, cập nhật sơ bộ tổng mức đầu tư bước chủ trương đầu tư theo giá cả tại thời điểm hiện nay.
Trường hợp nhu cầu vốn dự kiến bố trí để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 lớn hơn mức vốn đã dự kiến phân bổ trong kế hoạch trung hạn của dự án, các đơn vị rà soát lại đề xuất về phạm vi, quy mô dự án, kiến nghị phương án phân kỳ đầu tư hoặc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách địa phương khi trình duyệt chủ trương đầu tư, bảo đảm nhu cầu vốn ngân sách Trung ương thực hiện dự án trong giai đoạn không vượt quá mức vốn đã dự kiến phân bổ trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trước đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã dự kiến bố trí vốn để khởi công mới 64 dự án, gồm: 4 dự án trọng điểm quốc gia, 9 dự án nhóm A và 51 dự án nhóm B, C.
Đến nay, 48 dự án đã được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm: 1 dự án quan trọng quốc gia (cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025), 2 dự án nhóm A (cầu Rạch Miễu 2 và cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh) và 45 dự án nhóm B, C.
Trong đó, 5 dự án mới được quyết định đầu tư, gồm: Cầu Rạch Miễu 2, dự án QL32C Phú Thọ, dự án QL7 Nghệ An, dự án QL12A Quảng Bình, dự án đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ.